Theo các chuyên gia, việc tăng lương giúp đời sống người dân cải thiện nhưng thu nhập vừa tăng chút ít là đã rơi vào diện chịu thuế thu nhập cá nhân.
Quy định mức biến động 20% CPI mới điều chỉnh mức chịu thuế thu nhập cá nhân có hợp lý hay không?
Trong Báo cáo số 76/CQLG-THPTDB ngày 8.4.2013 của Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) thống kê giá cả thị trường tháng 3.2013 như sau: Tại miền Bắc, giá thóc tẻ thường dao động ở mức 6.000- 8.500 đồng/kg. Tại miền Nam, giá thóc ở mức 5.000-5.875 đồng/kg, giảm 125 đồng/kg. Giá một số loại rau, củ, quả: Bắp cải 8.000-9.500 đồng/kg; khoai tây 12.000-13.000 đồng/kg; cà chua 12.000-13.000 đồng/kg. Giá một số mặt hàng thủy hải sản như cá chép là 70.000-75.000 đồng/kg.
Sau 10 năm, tại Báo cáo số 164/CQLG- CSTH ngày 26.4.2023, báo cáo thị trường hàng hóa tháng 3.2023 cho thấy, giá thóc tẻ bình quân ở mức 12.200 đồng/kg, tương đương tăng 43% so với thời điểm năm 2013. Giá cá chép là 80.700 đồng/kg. Bắp cải có giá bình quân là 14.100 đồng/kg.
10 năm trước cũng là khoảng thời gian mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) được sửa lần đầu tiên. Theo đó, từ ngày 1.7.2013, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Đến kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế tiếp tục được điều chỉnh, thành mức 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Kể từ khi có hiệu lực năm 2009 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh 2 lần để phù hợp với tình hình thực tế.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh – Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, một trong những bất cập được nêu nhiều nhất là mức giảm trừ gia cảnh. “Luật quy định khi mức lạm phát tăng đủ 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, song rõ ràng là khi áp dụng vào thực tiễn đã phát sinh nhiều vấn đề” – PGS.TS Phạm Thế Anh nói. Trong thực tế, một số hàng hóa cơ bản trong khoảng thời gian 2013-2020 đã tăng 2-3 lần chứ không phải tăng 20%. Hơn nữa, chuyên gia cho rằng, giả sử trường hợp lạm phát duy trì quanh mức 15-17%, kéo dài thì việc điều chỉnh là chưa khả thi, nhưng ở góc độ người tiêu dùng, hộ gia đình sẽ phải chịu thiệt.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên Học viện Tài chính – thậm chí còn nhận định, quy định khi nào CPI biến động trên 20% thì mới xem xét điều chỉnh mức thu nhập chịu thuế là vô lý.
Ông cho biết, đời sống của người dân ngày một nâng lên, nhất là người dân ở các đô thị lớn. Lạm phát 5% của năm nay khác với lạm phát 5% của năm sau, không đồng mẫu. Do vậy, không cần phải quy định mức trần 20%.
Tăng lương, người dân vừa mừng vừa lo
Chia sẻ với người nộp thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú – Chuyên gia về thuế, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – cho biết, với người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, chi phí sinh hoạt rất đắt đỏ. Thậm chí, mức thu nhập còn không đủ sống.
Đồng quan điểm, ông Thế Anh cũng nhận định, thu nhập của người dân chỉ cần mới cải thiện chút ít là đã rơi vào diện chịu thuế mới, lên đến đỉnh 35% là mức rất cao so với các nước có thu nhập trung bình.
Hay như ông Thịnh ví dụ, năm nay mức lương vùng, lương cơ sở tăng, giúp người dân thêm phần phấn khởi, tuy nhiên, một loạt cá nhân trước đây thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, sau khi lương, thu nhập tăng sẽ thuộc diện chịu thuế. Vì vậy mà thu nhập tăng thì cũng vừa mừng, vừa lo.
Như chia sẻ với Lao Động, bạn Phạm Thị Mỹ (Hà Đông) – giáo viên một trường THPT Dân lập tại Hà Nội – cho biết, hiện thu nhập một tháng của Mỹ dao động trong khoảng trên dưới 30 triệu đồng, đây là mức thực nhận sau khi đã trừ thuế TNCN hằng tháng.
Còn trẻ nên Mỹ nhận nhiều tiết dạy nhất có thể, ngoài ra Mỹ còn là giáo viên chủ nhiệm, tham gia tổ chức hoạt động ngoại khóa… nên thu nhập nhỉnh hơn các giáo viên khác. Tuy nhiên, mức thu nhập trên, vẫn không đủ cho Mỹ trang trải hết các chi phí cho gia đình, như khám bệnh, tiền nhà trọ của hai vợ chồng, tiền phụng dưỡng bố mẹ.
“Mình và chồng tham vọng muốn mua nhà tại Hà Nội để an cư lạc nghiệp, nhưng hiện chồng mình đang bị nợ lương, phần lớn chi phí trong gia đình phụ thuộc vào phần lương của mình. Bố mình ốm nặng, nên hằng tháng mình vẫn gửi tiền thuốc thang cho bố. Ngoài ra, mình đang điều trị bệnh để muốn sinh em bé trong năm 2024 này” – Mỹ trải lòng.
Nguồn: Laodong.vn