Dù thị trường chứng khoán đã có phục hồi tốt về điểm số, song lại thiếu động lượng xác nhận từ thanh khoản khiến khả năng bứt phá tăng điểm trong các phiên tới là không cao.
Dưới sự dẫn dắt của các cổ phiếu trụ, VN-Index đảo chiều hồi phục với biên độ tích cực trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7 (ngày 1.7), phần nào cho thấy tín hiệu lực cầu đã có phản ứng.
Áp lực bán trong phiên không lớn, nhưng rủi ro chính của thị trường vẫn là lực cầu cũng sụt giảm và tồn tại xác suất – đây hoàn toàn chỉ là nhịp phục hồi kỹ thuật sau phiên bán tháo.
Mặc dù đảo chiều tăng điểm rất tốt, nhưng khối lượng khớp lệnh cả phiên vẫn sụt giảm rất mạnh, đây là phiên có khối lượng khớp lệnh thấp nhất từ đầu 2024 đến nay và sụt giảm 41,3% so với mức trung bình 20 phiên.
Vì vậy, dù phục hồi tốt về điểm số, song lại thiếu động lượng xác nhận từ thanh khoản khiến khả năng bứt phá tăng điểm trong các phiên tới – theo quan điểm của một số chuyên gia phân tích – là không cao.
VN-Index đang có nhịp điều chỉnh ngắn hạn sau một thời gian tích lũy trên 1.280 điểm, dù vậy, trong trung hạn, chỉ số cơ bản vẫn đang ở vùng tích lũy 1.235 – 1.290 điểm duy trì hơn 3 tháng gần đây.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital cho rằng, xu hướng vận động thị trường tháng 7 sẽ không có nhiều biến động lớn.
Vận động tạo xu hướng nếu diễn ra sẽ phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu ngân hàng – nhóm dẫn dắt đà tăng của thị trường chứng khoán quý I năm nay, điều này phụ thuộc vào kết quả kinh doanh quý II/2024 của nhóm này.
Bước sang tháng 7, thị trường sẽ quan tâm đến một số yếu tố. Trước hết là dự báo kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết.
Thông thường, báo cáo tài chính quý II của các doanh nghiệp được công bố vào gần cuối tháng 7, nhưng từ đầu tháng này, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra ước tính sơ bộ về con số lợi nhuận, đặc biệt là các doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng tốt.
Những dữ liệu vĩ mô như tăng trưởng GDP quý II cũng là cơ sở để giới đầu tư đánh giá khả năng phục hồi của nền kinh tế và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến của giá cổ phiếu.
Trong xu hướng đi lên, thị trường có thể vẫn gặp áp lực điều chỉnh trong giai đoạn cuối năm. Quý IV vẫn là thời điểm khó khăn của thị trường chứng khoán. Đây là thời gian đánh giá lại độ hồi phục của nền kinh tế, có một số cổ phiếu đã tăng mạnh từ đầu năm có thể sẽ không tăng nữa.
Kinh tế có hồi phục mạnh như kỳ vọng hay không, câu trả lời sẽ nằm ở kết quả quý IV, do đó, giai đoạn này, thị trường có thể gặp áp lực điều chỉnh.
Việc tăng trưởng của chỉ số VN-Index trong tháng 7 sẽ “áp lực” nếu không có một số nhóm ngành vốn hóa lớn đủ thay thế nhóm công nghệ, hóa chất tăng điểm mạnh như giai đoạn vừa qua.
Tuy vậy, các chuyên gia kỳ vọng một kịch bản tốt hơn trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý II và số liệu kinh tế vĩ mô bán niên.
Việc tận dụng giai đoạn thị trường tích lũy trong biên độ hẹp để cơ cấu lại danh mục đầu tư, ưu tiên tỉ trọng vào các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực cũng là chiến lược được nhà đầu tư quan tâm.
Nguồn: Laodong.vn