Thị trường chứng khoán ẩn chứa rủi ro, nỗi lo margin hiện hữu

Mặc dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam tích cực, nhưng các chuyên gia lo ngại những thông tin bất lợi trên thế giới sẽ còn tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Thị trường chứng khoán ẩn chứa rủi ro, nỗi lo margin hiện hữu
Nhà đầu tư được khuyến nghị cần phải quản trị rủi ro trong trung hạn. Ảnh: Lê Toàn

Khối ngoại miệt mài bán ròng

Trong tuần qua, mặc dù thị trường chứng khoán nhanh chóng và tìm lại ngưỡng tâm lý mạnh 1.200 điểm, nhưng VN-Index vẫn không thể thoát khỏi xu hướng giảm bởi phiên lao dốc mạnh ngày đầu tuần 5.8.

Thanh khoản trên sàn HOSE tuần qua tăng nhẹ 6% so với tuần trước đó, với tổng giá trị giao dịch đạt mức 85.351 tỉ đồng. Nhà đầu tư ngoại có tuần bán ròng lên tới 4.000 tỉ đồng với tâm điểm bán mạnh các cổ phiếu bluechip.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh trong tháng 7 có thể là yếu tố chính khiến thị trường không thể vượt mốc 1.300 điểm và chỉ đi ngang trong tháng. Động lực tăng điểm của VN-Index trong giai đoạn đầu năm 2024 là dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân hiện nay đang giảm dần. Trong khi đó, các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, lạm phát vẫn đi sát mục tiêu của Chính phủ và tỉ giá đang được kiểm soát là yếu tố tích cực tác động đến thị trường.

Trong tháng 8, các chuyên gia đánh giá rủi ro giảm điểm của thị trường sẽ tăng lên chủ yếu do ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế lớn cũng như căng thẳng địa chính trị leo thang tại khu vực Trung Đông.

Thống kê cho thấy, trong một tháng qua, có tới 60% cổ phiếu trên ba sàn giảm trên 15% từ đỉnh. Toàn bộ 50 cổ phiếu giao dịch nhiều nhất đều giảm giá, trong đó một nửa giảm tới hơn 20%. Thống kê này cho thấy mức độ khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội và tránh tổn thất của nhà đầu tư trong thời gian gần đây. Tháng 8 hứa hẹn tiếp tục là một tháng khó khăn khi áp lực rút vốn vẫn tiếp diễn từ khối ngoại trong bối cảnh thanh khoản thị trường chưa được cải thiện.

Mối lo margin xuất hiện

Một vấn đề đang được bàn nhiều vào lúc này chính là sau khi đạt đỉnh thanh khoản cũng như khả năng thu hút dòng tiền rẻ trong quý II/2024, giá trị giao dịch đã giảm nhanh trong tháng 7 dưới áp lực bán ròng của khối ngoại, của đổ đông nội bộ, và áp lực phát hành. Số dư tiền mặt của nhà đầu tư giảm trong khi lượng margin tăng lên mức kỷ lục.

Đã có nhiều cảnh báo khi tỉ lệ margin cao và xu hướng thị trường không thuận lợi. Một lượng margin lớn có thể là khoản vay của chủ doanh nghiệp và cổ đông tài trợ cho hoạt động khác cho thấy khả năng tiếp cận tín dụng khó khăn.

Lượng margin này sẽ tạo ra những hiệu ứng không thật sự tốt cho thị trường nếu thực trạng dòng tiền của doanh nghiệp và các cá nhân này tiếp tục khó khăn, việc giải chấp lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực hơn lên thị trường chung so với giải chấp margin của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Công ty Chứng khoán ABS đã đưa ra 2 kịch bản cho VN-Index trong tháng 8.

Kịch bản 1, trường hợp tình hình thế giới “yên bình”, nếu VN-Index giữ được mốc 1.166 sẽ hình thành cấu trúc đi ngang tích lũy.

Kịch bản 2, trường hợp ngược lại, kịch bản giá điều chỉnh xuống trong tháng 8 được ưu tiên. Nếu giá đóng cửa tuần không giữ được mốc 1.166 điểm, thị trường chung sẽ tiếp tục điều chỉnh xuống. Các nhịp điều chỉnh có thể diễn ra với cường độ khá nhanh và mạnh. Khi đó, P/E 12 tháng gần nhất của thị trường dự kiến giảm về mức khá hấp dẫn 12,6x – 11,9x. Do đó, trong tháng 8, các chuyên gia khuyến nghị quản trị rủi ro trung hạn được đặt lên hàng đầu. Việc giao dịch cổ phiếu trong các pha hồi phục kỹ thuật cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Nguồn: Laodong.vn