6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh đạt 7,6%. Mức tăng trưởng đó được cho rằng chưa đạt yêu cầu, tạo áp lực cho nửa năm còn lại.
Chiều ngày 14.7, ông Trần Thế Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh – cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Hà Tĩnh đạt 7,6%.
Mức tăng trưởng đó, theo ông Trần Thế Dũng là cao hơn tăng trưởng của cả nước và cao thứ 2 trong các tỉnh Bắc Trung Bộ (sau Thanh Hóa).
Tuy vậy, kết quả tăng trưởng đó vẫn chưa đạt yêu cầu, nó tạo áp lực cho nửa năm còn lại.
Theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, trong tăng trưởng 7,6% thì khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,64%; công nghiệp – xây dựng tăng 10,7%; dịch vụ tăng 6,75%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm giảm 3,20% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 9.490 tỉ đồng, đạt 54,2% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 4.848 tỉ đồng, đạt 60% dự toán; thu xuất nhập khẩu đạt 4.642 tỉ đồng, đạt 49% dự toán.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 25.051 tỉ đồng, bằng 52% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó: Khu vực kinh tế nhà nước đạt 7.587 tỉ đồng, bằng 49% kế hoạch; Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 7.767 tỉ đồng, bằng 42% kế hoạch; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9.698 tỉ đồng, bằng 54% kế hoạch.
Giải ngân đầu tư công đạt 2.060 tỉ đồng, bằng 39,2% kế hoạch. Trong đó: Vốn Trung ương quản lý đạt 283 tỉ đồng, bằng 34% kế hoạch, vốn địa phương quản lý đạt 1.779 tỉ đồng, bằng 40% kế hoạch.
Chấp thuận chủ trương 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 1.745 tỉ đồng (cùng kỳ chấp thuận 10 dự án với tổng vốn 1.254 tỉ đồng).
Theo tỉnh Hà Tĩnh, Công nghiệp tăng trưởng chủ yếu nhờ sự trở lại của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, còn các sản phẩm chủ lực khác chưa phục hồi rõ nét, trong đó động lực tăng trưởng chính Formosa sụt giảm, sản phẩm mới pack pin chưa đóng góp như kỳ vọng.
Nguyên nhân khách quan do nền kinh tế phục hồi gặp nhiều khó khăn; một số quy định pháp luật, thủ tục hành chính vẫn còn những vướng mắc, chưa được tháo gỡ kịp thời; nguồn lực Trung ương hỗ trợ một số chương trình, đề án hạn chế…
Một bộ phận cán bộ, công chức tinh thần trách nhiệm chưa cao, thiếu trăn trở trong công việc; năng lực, chuyên môn không đồng đều. Một số vị trí tại cơ sở làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên hiệu quả tham mưu, thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế.
Về chủ quan, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao của một số cấp ủy, chính quyền, địa phương chưa quyết liệt.
Người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm triển khai các chủ trương, chính sách của tỉnh; chưa tập trung cho công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, triển khai quy hoạch tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính.
“Tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục hiệu quả” – Theo tỉnh Hà Tĩnh.
Nguồn: Laodong.vn