Tăng tốc để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 6%, vẫn còn cách khá xa mục tiêu 15% của cả năm 2024. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện trong 2 tháng gần đây đã đặt ra kỳ vọng về khả năng hấp thụ vốn dần cải thiện.

Tăng tốc để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%
Kỳ vọng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện trong nửa cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra. Ảnh: Anh Kiệt

Tiền bắt đầu chảy mạnh hơn vào nền kinh tế

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến ngày 28.6, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023. Có thể thấy tín dụng tăng trưởng với tốc độ khá chậm trong những tháng đầu năm do quá trình phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, tiền bắt đầu “chảy” mạnh hơn những tháng sau đó nhờ được thúc đẩy bởi mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và bất động sản.

Trao đổi với Lao Động, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, với tất cả biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng những chương trình hành động của ngành ngân hàng, dù 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm nhưng các tháng sau đã có tốc độ khá tích cực. Với đà như vậy, kết hợp với các biện pháp và chương trình hành động của ngành ngân hàng thì từ nay đến cuối năm, tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực. NHNN phấn đấu sẽ đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đã đặt ra.

“Để tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu đầu tư, tiêu dùng hay những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, dự án để tháo gỡ những khó khăn về pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường hoạt động. Khi đó nhu cầu vốn tín dụng sẽ tăng lên, giúp tăng trưởng tín dụng trở nên thuận lợi” – Phó Thống đốc nói.

Đồ họa: Đức Mạnh
Đồ họa: Đức Mạnh

Cầu tín dụng sẽ phục hồi vào nửa cuối năm

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – Đại học Kinh tế TPHCM – đánh giá: “Tăng trưởng tín dụng quý III, IV năm nay sẽ cao hơn so với nửa đầu năm do xu hướng phục hồi của nền kinh tế thế giới, dẫn chứng cụ thể là xuất khẩu của Việt Nam đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Kinh tế trong nước và tiêu dùng nội địa cũng sẽ có xu hướng phục hồi”.

Về phía các ngân hàng, bà Phùng Thị Bình – Phó Tổng Giám đốc Agribank – cho rằng, hiện nay, ngoài chương trình ưu đãi theo Chính phủ và NHNN (như gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, gói tín dụng cho vay lĩnh vực lâm thủy sản), hiện Agribank triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi với tất cả các thành phần từ tập đoàn, tổng công ty, khách hàng lớn, đặc biệt là với lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn. Đây sẽ là cơ sở để ngân hàng này phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra trong năm 2024.

“Riêng về gói tín dụng cho lâm thủy sản, ban đầu Agribank đăng ký tham gia 3.000 tỉ đồng và đã giải ngân đủ trong năm 2023. Sang đầu năm 2024, chúng tôi đã chủ động đề xuất với NHNN tiếp tục triển khai chương trình này, đăng ký lên 8.000 tỉ đồng (tính đến nay đã giải ngân được khoảng 7.000 tỉ đồng). Với tín hiệu phục hồi của ngành, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục đề xuất với NHNN tăng quy mô cho vay hoặc chủ động có chương trình của riêng mình” – bà Bình chia sẻ về những giải pháp trong 6 tháng cuối năm.

Theo bà Nguyễn Thúy Hạnh – Phó Tổng Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, sự kết hợp của giảm thuế VAT, giảm lãi suất và gia hạn các khoản vay của người tiêu dùng đã có tác dụng tích cực tới tăng trưởng tiêu dùng của người dân. Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, Chính phủ nên duy trì chính sách này tới hết 2024 vì sẽ giúp hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và tạo động lực, tiền đề tốt cho tăng trưởng kinh tế vào năm 2025.

Thêm vào đó, cũng cần đẩy nhanh tốc độ phê duyệt các dự án FDI vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh và mở rộng sản xuất. Điều này sẽ góp phần khá tốt cho tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế nói chung.

Nguồn: Laodong.vn