Theo các chuyên gia, việc lập sàn giao dịch xăng dầu sẽ giúp thị trường minh bạch những góc khuất trong kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần phá thế độc quyền của các doanh nghiệp lớn, giúp thị trường hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc này sẽ khó thực hiện do chưa đủ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật.
Sàn giao dịch xăng dầu hoạt động như thế nào?
Nói về ý tưởng thành lập sàn giao dịch xăng dầu, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Hải Âu Phát – cho biết, sàn giao dịch xăng dầu hoạt động theo hình thức như chợ thương mại kinh doanh xăng dầu. Trong đó, bên bán sẽ đăng ký và đưa đầy đủ thông tin hàng hóa, gồm số lượng, chất lượng, chứng nhận nguồn gốc hàng hóa, kho lưu trữ, giá giao dịch lên sàn giao dịch.
Bên mua sẽ căn cứ vào giá cả, chủng loại sản phẩm để lựa chọn số lượng, chủng loại sản phẩm muốn mua. Nhà nước sẽ quản lý hoạt động của sàn giao dịch, bảo hộ các giao dịch trên sàn và thu thuế hoặc phí tương ứng cho lượng hàng hóa giao dịch.
Theo ông Thắng, nguồn cung chính của sàn giao dịch xăng dầu là một phần hoặc toàn phần lượng nhập khẩu của thương nhân đầu mối; một phần hoặc toàn phần lượng xăng dầu sản xuất của nhà máy lọc dầu; lượng xăng dầu hợp quy đang luân chuyển trên thị trường; nguồn xăng dầu từ kho dự trữ quốc gia; nguồn xăng dầu quy đổi từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Thương nhân đầu mối có quyền lựa chọn một phần cung ứng cho hệ thống kinh doanh xăng dầu truyền thống như mô hình kinh doanh xăng dầu hiện hữu; một phần rao bán trên sàn giao dịch để kinh doanh bán cho các bên đủ điều kiện mua lượng xăng dầu này.
Thương nhân phân phối có quyền rao bán lượng xăng dầu mà mình sở hữu trên sàn giao dịch để bán cho các bên đủ điều kiện mua lượng xăng dầu này. Còn thương nhân bán lẻ có quyền rao bán lượng xăng dầu mà mình sở hữu trên sàn giao dịch, để bán cho các bên đủ điều kiện mua lượng xăng dầu này.
“Các hình thức thương nhân kinh doanh xăng dầu bình đẳng trong việc tham gia mua – bán trên sàn giao dịch; doanh nghiệp có trách nhiệm nộp thuế, phí cho Nhà nước đối với lượng hàng hóa giao dịch. Nhà nước tổ chức, quản lý và thu thuế phí phù hợp với khối lượng giao dịch trên sàn. Quỹ bình ổn giá xăng dầu (với lượng xăng dầu được mua bằng tiền trích lập quỹ) được cơ quan quản lý Nhà nước định giá và rao bán trên sàn nhằm ổn định nguồn xăng dầu, tránh tình trạng tăng, giảm sốc và nguy cơ đứt gãy hệ thống cung ứng xăng dầu. Lượng xăng dầu dự trữ quốc gia được định giá và rao bán trên sàn từ hoạt động thanh lý, đảo chuyển, bán cũ – mua mới để đảm bảo chất lượng xăng dầu”, ông Thắng gợi ý.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Một số chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, để thành lập sàn giao dịch xăng dầu hiện nay khó thực hiện, bởi phải hội đủ các điều kiện cần và đủ theo cơ chế thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Hùng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – cho hay, không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, rất nhiều nước cũng tham vọng mở sàn giao dịch xăng dầu. Tuy nhiên, thành công thì dường như chỉ có hai sàn, gồm sàn của Mỹ giao dịch dầu WTI và sàn tại London giao dịch dầu Brent khi họ có sân chơi đủ lớn và chế tài kinh tế đủ mạnh.
Còn các sàn còn lại như tại Trung Đông, hay những vùng có khối lượng giao dịch lớn như Singapore chỉ được xem là các sàn giao dịch thứ cấp, bởi còn yếu tố như không đủ khối lượng khách tham gia, hay không hấp thu được khối lượng khách lớn là các trung tâm giao dịch…
Vì thế, với sự phụ thuộc lớn vào giá xăng dầu thế giới khi giá thế giới chiếm 64-72% trong cơ cấu giá Việt Nam, ông Hùng đặt vấn đề, liệu khi chúng ta có một sàn giao dịch xăng dầu thì có thoát khỏi sự ảnh hưởng của các sàn giao dịch thế giới hay không?
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) – cho biết, tại Việt Nam, việc giao dịch các sản phẩm như dầu thô, khí tự nhiên được Bộ Công Thương cho phép giao dịch thí điểm tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam từ tháng 5.2020 đến tháng 5.2024.
Tuy nhiên, có thực tế hiện nay việc giao dịch chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia vì chính sách chưa ổn định. Theo đó, quyết định cho phép giao dịch thí điểm theo từng năm, hết phải gia hạn, việc thí điểm dừng từ ngày 27.5.2024 với lý do không rõ ràng.
Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu trước đây cho phép doanh nghiệp được giao dịch qua MXV nhưng các nghị định sửa đổi lại bỏ quy định này. Bộ Tài chính cũng chưa có chính sách về chế độ hạch toán kế toán cho các doanh nghiệp tham gia giao dịch tại MXV nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói riêng.
“Từ những khó khăn đó, chúng tôi cho rằng việc lập sàn giao dịch xăng dầu thành phẩm cần phải xem xét đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, không nên vội vàng”, ông Quỳnh khẳng định.
PGS. TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, nếu thành lập được sàn giao dịch xăng dầu thì rất tốt và cần thiết. Về lý thuyết, sàn giao dịch xăng dầu sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, giao dịch, giảm thiểu rủi ro và tạo cơ hội đầu tư cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nguồn: Laodong.vn