Giới chuyên gia cho rằng đây là thời điểm tốt để tiếp tục tích lũy các cổ phiếu ngân hàng một cách có chọn lọc dựa trên triển vọng tăng trưởng.
Thống kê từ FiinTrade cho thấy tính đến sáng ngày 25.7.2024, đã có 565 doanh nghiệp (đại diện 36,6% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM) đưa ra ước tính kết quả kinh doanh hoặc công bố báo cáo tài chính cho quý II/2024. Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của 565 doanh nghiệp này đạt 21,6% so với cùng kỳ trong quý II/2024, cao hơn mức tăng trưởng của quý I trước đó là 16,7%.
Điểm nhấn là nhóm tài chính tiếp tục đóng góp chính vào mức tăng trưởng này với lợi nhuận sau thuế tăng 34,2% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ các ngân hàng. Nhiều nơi xác nhận mức lãi kỷ lục, như ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II là 5.598 tỉ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 4.468 tỉ đồng, tăng 15,6%.
Hay SeABank cũng lập kỷ lục với lợi nhuận trước thuế quý II/2024 ước đạt 1.732 tỉ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 83%, đạt 1.381 tỉ đồng.
LPBank dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Trong quý II, nhà băng này đạt lợi nhuận trước thuế 3.033 tỉ đồng, gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lãi ròng hơn 2.400 tỉ trong quý II, gấp hơn ba lần cùng kỳ nhờ đẩy mạnh cho vay.
Techcombank cũng có mức tăng trưởng hai chữ số với lợi nhuận ròng trong quý II đạt 6.270 tỉ đồng, tăng gần 40%.
Theo đánh giá từ các chuyên gia Công ty Chứng khoán MB (MBS), NIM sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm trong khi lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng. MBS dự báo tăng trưởng tín dụng trong quý II sẽ khả quan hơn so với quý I nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Do đó nhìn chung thu nhập lãi thuần vẫn chưa thể tăng mạnh.
Thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối với chứng khoán dự báo sẽ không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường càng lúc càng khó khăn. Chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lại trong quý II này. NPL tăng và LLR giảm là xu hướng chung toàn ngành.
“Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao. Mức tăng nổi bật ở một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt như LPB, VPB, HDB. Một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng âm do lợi nhuận sau thuế cùng kỳ năm ngoái ở mức cao như STB, BID” – MBS cho biết.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của toàn ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 23,8% so với cùng kỳ. Trong đó VPBank, LPBank và Vietinbank có thể sẽ là những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành.
VNDIRECT nhấn mạnh đây là thời điểm tốt để tiếp tục tích lũy các cổ phiếu ngân hàng một cách có chọn lọc dựa trên triển vọng tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng và tăng vốn thành công sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi thể hiện khả năng phục hồi, tiềm năng tăng trưởng của mô hình kinh doanh và khả năng chống chọi với những biến động kinh tế của mỗi ngân hàng.
Nguồn: Laodong.vn