Các báo cáo cho thấy trong 10 năm (2005-2015), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTDB) tăng gấp đôi song tỉ lệ người lạm dụng rượu, bia trên tổng dân số lại tăng gấp 10 lần. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng chính sách thuế TTDB cần cân nhắc kỹ lưỡng lợi – hại, tác động bởi sẽ gây quá sức chịu đựng của doanh nghiệp trong ngành.
Ngày 11.7, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Dự thảo ít chữ nhất nhưng ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, trong đó có những mặt hàng được bổ sung vào diện chịu thuế TTĐB, một số mặt hàng được điều chỉnh thuế suất với lộ trình cụ thể, thay đổi phương pháp tính thuế, một số quy định được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Những sửa đổi này sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật và người tiêu dùng.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, bày tỏ rằng có lẽ dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là một trong những dự thảo ít chữ nhất nhưng lại ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp, ngành hàng.
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt có làm giảm tình trạng gia tăng người béo phì?
Riêng về ngành hàng đồ uống, Bộ Tài chính chưa bổ sung đồ uống có đường, mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam vào dự thảo lần này.
Góp ý tại hội thảo, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) nói: “Nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calo duy nhất và cao nhất.
Đây cũng không phải là nguyên nhân duy nhất và chủ yếu dẫn đến thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm, Hiệp hội đề nghị không áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường và hiệu quả của chính sách thuế lên mục tiêu bảo vệ sức khỏe là không rõ ràng trong khi gây ra các tác động lớn đến sự phục hồi của ngành nước giải khát, ảnh hưởng chung đến lao động việc làm và nền kinh tế”.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) cũng băn khoăn về công cụ thuế có thực sự góp phần bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn bệnh không lây nhiễm như thừa cân béo phì, tiểu đường hay không.
Bà Hà ví dụ, Chính phủ Đan Mạch bỏ thuế đồ uống có đường, sau đó theo dõi mức độ thừa cân béo phì thì tỉ lệ này không tăng. Bởi khi áp thuế, người Đan Mạch sang thị trường khác ở châu Âu để mua nước giải khát với giá thấp hơn, dẫn đến giảm 5.000 việc làm tại Đan Mạch.
Ngược lại, PGS-TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), cho rằng các mục tiêu về bảo vệ sức khỏe người dân là dài hạn, không thể nói ăn uống hôm nay mà ngay ngày mai ảnh hưởng tới sức khỏe ngay được. Do đó, việc thực hiện các chính sách thuế để thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân là tầm nhìn dài hạn, để bảo vệ sức khỏe không chỉ cho người dân hôm nay mà còn thế hệ mai sau.
Thuế tiêu thụ đặc biệt tăng gấp đôi, tỉ lệ người lạm dụng bia rượu vẫn tăng
Đại diện Hiệp hội VBA cho biết, chưa bao giờ doanh nghiệp bia, rượu phải chịu sụt giảm mạnh như thời gian gần đây, do những tác động lớn từ đại dịch, từ quy định hạn chế sử dụng đồ uống có cồn và xử phạt hành chính vi phạm giao thông.
Chính vì vậy, đề xuất vừa qua của Bộ Tài chính gây sốc với doanh nghiệp khi tăng thuế dồn dập từ năm 2026 đến năm 2030 để tăng giá bán, song chưa rõ cơ sở đề xuất là gì.
“Chúng tôi quan ngại tăng thuế dẫn đến tăng thuế gián thu đến người tiêu dùng, đặc biệt là họ sẽ chuyển sang sử dụng rượu trôi nổi hiện nay không quản lý được, không hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, hiệp hội đề xuất giãn lộ trình tăng để tránh gây sốc, doanh nghiệp thích ứng”, bà Vân Anh kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), cho rằng mặc dù thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn liên tục tăng kể từ năm 2008 song tiêu thụ đồ uống có cồn cũng vẫn tăng qua các năm cho thấy thuế tiêu thụ đặc biệt không có tác động đáng kể đối với việc thay đổi hành vi người tiêu dùng.
Trong 10 năm (2005-2015), thuế tiêu thụ đặc biệt tăng gấp đôi song tỉ lệ người lạm dụng rượu, bia trên tổng dân số lại tăng gấp 10 lần.
Chuyên gia lưu ý, chỉ đến khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông mới tác động lớn đến hành vi tiêu dùng đồ uống có cồn.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Heineken, đề xuất áp dụng thuế suất theo nồng độ cồn có trong sản phẩm.
Một là, mức thuế 65% áp dụng đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn từ 5,5% trở xuống.
Hai là, mức thuế 70% áp dụng đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn trên 5,5% đến dưới 15%.
Ba là, mức thuế 75% áp dụng đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn trên 15%.
Nguồn: Laodong.vn