Huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình hiện có nghề nuôi ong lấy mật mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều nỗ lực để sản phẩm được biết đến nhiều hơn, tiêu thụ rộng rãi và nghề mật ong này.
Mùa con ong đi lấy mật
“Trang trại” nuôi ong của ông Đinh Văn Thiên ở thôn Cầu Lợi (xã Xuân Hóa) được đặt ở sau vườn nhà, dưới những tán cây mát mẻ và gần khu rừng. Từ tháng 2 đến tháng 8 hằng năm, cây cối đơm hoa rực rỡ, cũng là “mùa” những con ong chăm chỉ lấy mật.
Nhiều năm trước, ông Thiên làm nghề lấy mật ong rừng. Trong một lần huyện có chương trình tập huấn dạy nghề nuôi ong mật, ông Thiên đã đăng ký tham gia và trở thành một trong những hộ nuôi thí điểm mô hình lúc đó.
Nuôi thử vài tổ ong, cảm thấy công việc cũng không quá nặng nhọc, chi phí đầu tư không cao, cùng với đó là sản phẩm mật ong luôn được khách hàng mua quanh năm. Vì vậy, ông Thiên đã dần dần tăng thêm số lượng, đến nay, đã đạt con số 100 tổ ong. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu được hơn một tấn ong mật, cho lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng/năm. Nghề nuôi ong cũng trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.
“Nghề này cần cẩn thận và nắm rõ kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra chăm sóc để ong khỏe mạnh thì sẽ cho ra nhiều mật. Đây cũng là loài nhạy cảm, chỉ sống trong môi trường tự nhiên sạch sẽ, không hóa chất, nguồn nước sạch… Mình nắm rõ thì công việc đều thuận lợi, lượng mật cho được cũng ổn định” – ông Đinh Văn Thiên chia sẻ.
Được biết, hiện nay, xã Xuân Hóa có 68 hộ nuôi ong ở tất cả 7 thôn với trên 1.713 đàn. Mỗi năm, thu được khoảng hơn 14 tấn mật, cho tổng thu nhập khoảng 1,7 tỉ đồng. Là xã có nhiều hộ gia đình nuôi ong lấy mật nhất của huyện.
Tại xã Hóa Sơn, HTX Nông nghiệp Hóa Sơn đã “chuẩn hóa” quy trình nuôi ong mật ngay từ các khâu để cho ra sản phẩm chất lượng. Bà con hội viên cam kết thực hiện từ chọn giống, nhân đàn, sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên, công tác sơ chế, lóng lọc… Vì vậy, sản phẩm mật ong của HTX đã được UBND huyện Minh Hóa đánh giá, xếp hạng sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp huyện.
Đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm
Hiện nay, trên địa bàn huyện Minh Hóa có hơn 6.160 đàn ong được nuôi ở 13/15 xã, thị trấn. Trong đó, nuôi tập trung nhiều nhất là ở các xã: Xuân Hóa, Hóa Hợp, Hồng Hóa, Hóa Phúc và thị trấn Quy Đạt. Tổng sản lượng mật thu hoạch năm 2023 đạt hơn 600 tấn.
Có thể nói, nghề nuôi ong trên địa bàn huyện đã có từ rất lâu, góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Mật ong Minh Hóa” cho Hội nuôi ong huyện Minh Hóa. Việc bảo hộ thành công nhãn hiệu sản phẩm này sẽ giúp Hội nuôi ong huyện Minh Hóa thuận lợi khi quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, sản phẩm mật ong của huyện Minh Hóa vẫn chưa được thị trường biết đến rộng rãi. Việc tiêu thụ sản phẩm mật ong trên địa bàn đều tự mỗi hộ tìm kiếm đầu ra. Kèm theo đó, giá cả cũng dao động và không ổn định, so với những sản phẩm mật ong có chứng nhận và đạt OCOP thì giá thành còn thấp.
Bà Trương Thị Thanh Bê – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa – cho biết, toàn huyện có số lượng đàn ong lớn, cho ra sản lượng nhiều và chất lượng mật tốt, nhưng việc xây dựng thương hiệu cũng như tiêu thụ vẫn còn chưa cao, chưa được chú trọng.
“Chúng tôi đang tích cực vận động người dân đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, phòng cũng sẽ tìm kiếm, kết nối với các đơn vị để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm mật ong” – bà Bê nói.
Nguồn: Laodong.vn