Loại bỏ cơ chế cũ để tạo ra thị trường xăng dầu thật sự

Theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, thị trường xăng dầu của Việt Nam hiện nay là đầu vào theo giá thị trường thế giới, nhưng đầu ra bị quản lý bởi các nghị định, thông tư, giá bán theo công thức tính giá cơ sở. Đó là sự bất cập, đối nghịch giữa hai thị trường mua vào – bán ra trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Loại bỏ cơ chế cũ để tạo ra thị trường xăng dầu thật sự
Nghị định về kinh doanh xăng dầu cần được xây dựng theo hướng tiếp cận thị trường, lấy doanh nghiệp làm gốc. Ảnh: Hải Nguyễn

Cần lấy doanh nghiệp làm gốc

Trao đổi với Lao Động, ông Văn Tấn Phụng – Chủ tịch Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Nai – cho biết, Nghị định về kinh doanh xăng dầu (đang được lấy ý kiến) cần được xây dựng theo hướng tiếp cận thị trường, lấy doanh nghiệp làm gốc, nhất là doanh nghiệp bán lẻ vì họ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong hệ thống kinh doanh xăng dầu.

“Hệ thống kinh doanh xăng dầu, gồm các khâu nhập khẩu, phân phối và bán lẻ, trong đó, doanh nghiệp đầu mối có nhiệm vụ tạo nguồn và bán lẻ trong hệ thống của mình, còn lại phải bán qua thương nhân phân phối. Thương nhân phân phối có nhiệm vụ lấy hàng từ doanh nghiệp đầu mối, bán cho doanh nghiệp bán lẻ. Doanh nghiệp bán lẻ khi bán từng giọt xăng đến người tiêu dùng cần có mức chiết khấu ít nhất 1.500 đồng/lít, tránh tình trạng bán bù lỗ, bán dưới giá vốn” – ông Phụng cho hay.

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh phân phối xăng dầu ở Hà Nội cho hay, thực trạng thị trường xăng dầu của Việt Nam hiện nay là đầu vào theo giá thị trường, trong đó, giá mua vào là giá Platt tại thị trường châu Á – Thái Bình Dương, thanh toán bằng đồng USD, giao nhận ngoại thương, phương thức vận tải theo phương thức quốc tế. Tuy nhiên, đầu ra (tiêu thụ trong nước) lại do Nhà nước quyết định thông qua nghị định, thông tư; giá bán theo công thức tính giá cơ sở để xác định, điều hành giá bán lẻ tối đa.

“Đó là sự bất cập, do vậy, cần phải thay đổi cơ chế điều hành giá theo hướng thị trường hoàn toàn, sửa đổi cơ chế hành chính áp đặt sang công cụ thị trường để tự điều tiết, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu” – vị lãnh đạo cho hay.

“Với dự thảo mới, Bộ Công Thương tính siết lại theo hướng đơn vị phân phối chỉ được mua từ đầu mối, không được mua của nhau” – vị lãnh đạo cho hay.

Quyền lợi các khâu kinh doanh chưa được phân phối phù hợp

Ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Hải Âu Phát – cho biết, từ hội nghị xây dựng Nghị định 83, 95 đến 80 về kinh doanh xăng dầu, dường như nội dung của các nghị định đều được xây dựng dựa trên lợi ích của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Điều này dẫn đến những hệ lụy như doanh nghiệp bán lẻ bị chèn ép chiết khấu, bị chiếm dụng chi phí và lợi ích không được phân phối theo đúng quy định; khiến cho thị trường xăng dầu hỗn loạn, bất công và dễ đứt gãy cục bộ.

Nguyên nhân cơ bản nhất đó là quyền và lợi ích của các khâu (gồm đầu mối, phân phối và bán lẻ) chưa được phân phối phù hợp, công bằng; quyền và lợi ích chỉ tập trung ở một thành phần kinh tế là các doanh nghiệp đầu mối. Do vậy, ông Thắng đề nghị cho phép thương nhân đầu mối định giá bán buôn mức một; cho phép thương nhân phân phối định giá bán buôn mức hai và giá bán lẻ; cho phép doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quyết định giá bán lẻ.

“Còn trong trường hợp Nhà nước quy định giá bán lẻ, tôi đề nghị chi phí kinh doanh nội địa và lợi nhuận của cả 3 khâu là 3.000 đồng/lít – 5.000 đồng/lít và Nhà nước ban hành tỉ lệ phân chia 3 khâu cụ thể, rõ ràng, minh bạch bằng thông tư bổ sung thay thế cho Thông tư 103 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hoặc quy định cụ thể tại nghị định mới” – ông Thắng nói.

Đề xuất bỏ giá trần

Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đang được xin ý kiến đưa ra cơ chế mới để quản lý giá bán xăng dầu. Doanh nghiệp được quyết định giá xăng dầu nhưng không cao hơn mức trần. Giá trần được tính nguyên tắc chi phí cộng tới, gồm chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và thuế. Như vậy, theo cơ chế này, cơ quan Nhà nước sẽ công bố các chi phí thành phần, rồi doanh nghiệp tự tính ra giá trần, thay vì như hiện nay là cơ quan Nhà nước công bố giá trần. Tuy nhiên, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức, không thay đổi bản chất việc quản lý giá xăng dầu.

Do vậy, VCCI đề nghị Bộ Công Thương cân nhắc đến phương án cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán (không có giá trần), đi kèm với các quy định về công khai, minh bạch giá (bằng cách kê khai giá trên một cổng thông tin chung và được công khai ngay lập tức) để người tiêu dùng có thể so sánh giá giữa các cây xăng.

Nguồn: Laodong.vn