Giới chuyên gia cho rằng, chính sách giảm lệ phí trước bạ nếu tiếp tục áp dụng sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế và không loại trừ nguy cơ xung đột thương mại.
Lo ngại vi phạm cam kết quốc tế
Bộ Tài chính mới đây đã có tờ trình gửi Chính phủ đề xuất không giảm lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Nguyên nhân, theo Bộ Tài chính, ngoài những ảnh hưởng tới cân đối ngân sách của nhiều địa phương, chính sách trên nếu áp dụng còn khiến Việt Nam vi phạm các cam kết quốc tế.
Bộ Tài chính chỉ ra, trong những lần giảm lệ phí trước bạ trước đó, các nước đã phản ánh việc Việt Nam đối xử không công bằng giữa ôtô sản xuất trong nước và nhập khẩu và vi phạm nguyên tắc cơ bản của WTO. Thậm chí, thời gian qua, Việt Nam đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách.
Tại phiên rà soát chính sách thương mại WTO lần 2 của Việt Nam tháng 4.2021, Ban Thư ký WTO đề nghị Việt Nam cung cấp thông tin về chính sách trên. Tiếp đó, tại phiên họp Ủy ban Thương mại hàng hóa tháng 11.2023 và phiên họp Ủy ban Thương mại cấp bộ trưởng tháng 12.2023 với EU, phía EU cũng bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam lần thứ 3 giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cho ôtô được sản xuất trong nước. Phía EU đánh giá đây là hành động vi phạm cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) về phân biệt đối xử và tác động tiêu cực đến thương mại song phương.
Phía Việt Nam đã giải thích đây là biện pháp tạm thời trong giai đoạn khó khăn sau COVID-19. Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh nếu tiếp tục giảm lệ phí trước bạ “có thể khẳng định Việt Nam vi phạm cam kết về hàng hóa mà Chính phủ đã đưa ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”.
Không chỉ Bộ Tài chính, 3 bộ khác là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương cũng đã bày tỏ ý kiến lo ngại về vi phạm cam kết quốc tế.
Đồng tình với những lo ngại trên, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, vấn đề vi phạm cam kết quốc tế cần được xem xét kỹ lưỡng. Theo ông, các cam kết quốc tế đòi hỏi sự công bằng, bình đẳng giữa các bên tham gia và Chính phủ Việt Nam đã cam kết đảm bảo điều kiện kinh doanh với cả xe sản xuất lắp ráp trong nước và nhập khẩu.
Việc giải thích của Việt Nam theo đánh giá là khó khăn bởi hiện tại không phải thời điểm dịch bệnh như cách đây một vài năm. Việc nhu cầu thị trường đi xuống hay thu nhập người dân bị giảm là vấn đề của từng quốc gia phải tự khắc phục bằng nhiều giải pháp, thay vì áp dụng chính sách gây tác động chung tới quốc tế.
Một khi đã xảy ra tranh cãi, ông cũng cảnh báo về việc có thể sẽ có xung đột thương mại. “Thậm chí, Việt Nam có thể bị kiện ra các cơ chế xử lý tranh chấp của các tổ chức quốc tế. Việc này sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế của nước ta”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lên tiếng.
Tác dụng ngược cho thị trường
Nhìn sâu hơn ở khía cạnh thị trường, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đặt ra nghi vấn, việc giảm lệ phí để kích cầu có thực sự kích thích tiêu dùng? “Ta phải tìm hiểu kĩ, chọn lựa của khách hàng có phải xuất phát từ giá cả không, hay ở hành vi của người tiêu dùng. Tức là nếu ta chỉ giảm giá thì thực tế lại không phải là cách để kích cầu, thậm chí còn gây tác dụng ngược”, ông cảnh báo.
Tác dụng ngược ở đây theo ông lý giải là sự hồ nghi của chính người tiêu dùng với chất lượng sản phẩm bởi có thể nảy sinh suy nghĩ “sản phẩm không tốt nên mới cần giảm lệ phí”. Từ đó, ông nhắc tới câu chuyện giải cứu nông sản vốn được coi là bài học cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực, để ví von về chính sách “giải cứu ô tô” đang được đưa ra.
Đặc biệt, về dài hạn, vị chuyên gia kinh tế nêu thêm lo ngại về mâu thuẫn về giữa hai vế, một bên là kích cầu cho xe xăng và một bên là nỗ lực đưa mức phát thải ròng về 0 của Việt Nam. Ông đánh giá, chính sách giảm lệ phí trước bạ hiện tại chỉ mang tính “cục bộ”, hoàn toàn không có lợi ích cho toàn cục.
“Đó chính là vấn đề của chúng ta. Ta muốn hỗ trợ cho thị trường nhưng đôi khi chỉ nhắm tới những vấn đề ngắn hạn mà chưa hướng tới tầm nhìn dài hạn”, ông nói.
Nguồn: Laodong.vn