Bao giờ khối ngoại ngừng bán ròng trên thị trường chứng khoán là một câu hỏi cho tới nay mọi dự báo hay phân tích đều chưa cho thấy câu trả lời khả thi.
Với trạng thái dần ổn định của tỉ giá trong nước, lãi suất tiền gửi trên liên ngân hàng giữa đồng VND và USD đang dần thu hẹp. Thị trường chứng khoán đang kỳ vọng khối ngoại có thể chuyển từ trạng thái giảm bán ròng sang mua ròng trong thời gian tới, tạo động lực cho chỉ số VN-Index quay trở lại chinh phục đỉnh cũ 1.300 điểm. Tuy nhiên, các chuyên gia đang có quan điểm trái chiều.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có phiên bán ròng khủng nhất từ đầu năm với giá trị lên tới gần 2.500 tỉ đồng trong hôm qua (8.7), trong đó danh mục tập trung chủ yếu là các mã bluechip bị bán ròng hàng trăm tỉ đồng mỗi mã.
Hôm qua, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu VNM với giá trị đạt 128,25 tỉ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt triệu đơn vị. Cổ phiếu ngân hàng HDB bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt hơn 498 tỉ đồng.
Các mã bị bán ròng mạnh khác là FPT đạt 263,12 tỉ đồng, STB đạt 253,81 tỉ đồng (8,45 triệu đơn vị), SAB đạt 196,5 tỉ đồng (3,48 triệu đơn vị), MWG đạt 184,87 tỉ đồng (2,78 triệu đơn vị), MSN đạt 161 tỉ đồng (2,11 triệu đơn vị)…
Giá trị bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán đến hết quý II/2024 là trên 52.700 tỉ đồng. Nửa năm, khối ngoại bán ròng gấp 2,26 lần cả năm 2023 và xấp xỉ 87% giá trị bán ròng kỷ lục từng xác lập năm 2021.
Việc nước ngoài bán ròng trong suốt giai đoạn vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài yếu tố tỉ giá ra thì còn vì sự không chắc chắn trong triển vọng kinh tế của Việt Nam. Trên thực tế, đồng VND mặc dù mất giá gần 5% so với USD nhưng vẫn là một trong những đồng tiền mạnh và ổn định nếu so với các đồng tiền khác như Yên Nhật, Bath Thái hay Rupee Indonesia…
Tuy nhiên, số liệu kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm chưa đủ thuyết phục, thậm chí gây ra nhiều nghi ngờ về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 – 6,5% trong năm 2024 đã khiến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thận trọng hơn.
Cho tới khi số liệu tháng 6 được hé lộ cho thấy, kinh tế Việt Nam đang có một số dấu hiệu chuyển mình tích cực, áp lực bán ròng phần nào đã giảm bớt. Một số chuyên gia cho rằng, điều này sẽ giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu đánh giá lại triển vọng và tiềm năng của thị trường Việt Nam và có thể quay trở lại mua ròng trên thị trường trong nửa cuối năm 2024, giúp cho VN-Index có thêm động lực để đạt được các mốc cao hơn, và dĩ nhiên là vượt mốc 1.300 điểm.
Với quan điểm đánh giá của mình, TS Nguyễn Duy Phương – Giám đốc đầu tư DG Capital – cho rằng chưa ai hiểu rõ vì sao nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, mọi người đều tin rằng là do tỉ giá. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố khác nếu chúng ta nhìn vào diễn biến dòng tiền trong thời gian vừa qua. Việc FED trì hoãn tốc độ giảm lãi suất khiến mặt bằng lãi suất ở Mỹ đã, đang và sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng rất cao (trong thời gian dài), đây là lý do chính khiến khối ngoại liên tục rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam thời gian qua. Động thái này chưa có dấu hiệu ngừng lại, việc mua ròng trở lại trong thời gian tới theo nhận định trên là chưa hợp lý.
Nguồn: Laodong.vn