Khách hàng đông nhưng số lượng sản phẩm bán được không cao khiến nhiều cửa hàng thời trang tại trung tâm TP Cần Thơ phải trả mặt bằng, thu hẹp kinh doanh.
Ghi nhận tại các tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ nối dài, Mậu Thân… (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), nhiều cửa hàng trong tình trạng đóng cửa, treo biển cho bán hoặc cho thuê mặt bằng.
Kinh doanh trên đường Nguyễn Trãi (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), anh Nguyễn Hoàng Lâm không khỏi ngán ngẩm khi khách đến cửa hàng vẫn ở mức ổn song số lượng sản phẩm được tiêu thụ lại thấp. Nguyên nhân không nằm ở chất lượng sản phẩm, dịch vụ tư vấn mà do khách hàng có sự so sánh giá cả trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
“Nhiều khách hàng vào cửa hàng xem xong, so sánh với giá trên các sàn TMĐT rồi lại chọn mua online vì có thêm được mã khuyến mãi. Cùng một sản phẩm dĩ nhiên người tiêu dùng sẽ ưu tiên nơi bán có giá lợi hơn. Điều này tôi có thể hiểu và cố gắng để giá ưu đãi nhất nhằm giữ chân khách nhưng cũng chỉ ở mức nào đó vì gánh nặng tiền mặt bằng, điện, nước…”, anh Lâm nói.
Theo anh Lâm, trừ những lúc vào mùa cao điểm mua sắm như lễ, Tết thì các tháng bình thường, sau khi trang trải chi phí nhân viên, điện, nước,… phần còn lại chỉ đủ trả tiền thuê mặt bằng. Vì vậy, để cải thiện việc kinh doanh, sự cạnh tranh về giá cả sản phẩm là điều anh Lâm rất quan tâm.
“Nhiều cửa hàng trên tuyến phố này không cầm cự nổi nên đã trả mặt bằng. Tôi dự định sẽ cắt giảm nhân viên và tìm một mặt bằng khác có giá thuê thấp hơn để đỡ gánh nặng chi phí, cải thiện giá cả, tăng sức mua của người tiêu dùng. Thời buổi này, cùng một sản phẩm, cùng chất lượng mà giá cao hơn 5.000 – 10.000 đồng cũng đã mất khách”, anh Lâm chia sẻ.
Chị Lê Thị Kiều Loan – chủ cửa hàng thời trang trên đường Mậu Thân (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) – chia sẻ, số lượng sản phẩm cửa hàng bán online cao hơn tiêu thụ trực tiếp. Khách quen đến đông nhưng nhiều người lại có xu hướng mua online. Nguyên nhân là vì cùng một sản phẩm từ cửa hàng nhưng khi mua trên các sàn TMĐT, khách hàng được trợ giá hoặc có mã khuyến mãi nên đều chọn mua online.
“Nhận thấy nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng tăng, tôi cũng mở bán quần áo trên các sàn TMĐT. Tuy nhiên, nhu cầu cao, người bán nhiều, tôi phải cạnh tranh giá với các shop khác để thu hút khách hàng. Hết tháng 9 này, tôi sẽ trả mặt bằng và tập trung bán trên các sàn TMĐT để giảm chi phí, giúp giá sản phẩm không bị đội lên”, chị Loan nói.
Theo báo cáo “Thị trường TMĐT – Thời của mua sắm và giải trí” của Kirin Capital phát hành vào đầu tháng 4.2024, số lượng khách hàng Việt ưa thích lựa chọn mua sắm online hiện đã chiếm tỉ trọng tới 50%.
Thống kê cho thấy có đến 61% người mua hàng trực tuyến qua các sàn TMĐT, 55% qua mạng xã hội và 34% qua các website TMĐT bán hàng.
Nguồn: Laodong.vn