Dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank tăng 5,8 lần sau 5 năm

Tập trung cho vay các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và hướng đến sự phát triển bền vững, tạo sinh kế, nâng cao mức sống cho người dân, sau 5 năm, dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank tăng phi mã.

Dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank tăng 5,8 lần sau 5 năm

Dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng gấp 6 lần sau 5 năm

Trong suốt giai đoạn 8 năm vừa qua, kể từ khi Chỉ thị 03 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng được Ngân hàng Nhà nước ban hành (Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24.3.2015), Vietcombank luôn tích cực tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng và ưu tiên mở rộng, hướng dòng vốn tín dụng vào các ngành/lĩnh vực thân thiện với môi trường, vào các dự án hoặc doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng xanh, cộng đồng khởi nghiệp, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon để góp phần bảo vệ môi trường.

Trao đổi với Lao Động, đại diện ngân hàng cho biết, riêng trong giai đoạn 2018 – 2023, tổng dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank tăng trưởng mạnh, từ quy mô 7.890 tỉ đồng cuối năm 2018 lên hơn 46.100 tỉ đồng vào cuối năm 2023, chiếm xấp xỉ 4% tổng dư nợ Vietcombank, tăng trưởng gần 6 lần trong 5 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hàng.

Theo ghi nhận, các lĩnh vực xanh mà Vietcombank quan tâm là năng lực tái tạo, năng lượng sạch và hướng đến sự phát triển bền vững, tạo sinh kế, nâng cao mức sống cho người dân.

Lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm tỉ trọng 84% và lĩnh vực quản lý nước bền vững chiếm tỉ trọng 10% trong tổng dư nợ tín dụng xanh vào cuối năm 2023 của Vietcombank.

Đại diện Vietcombank cho biết, đơn vị đã tăng cường cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) sử dụng nhiều lao động trên địa bàn nông thôn, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh doanh với người nghèo, tạo sinh kế, nâng cao mức sống cho người nông dân, đồng bào vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Tỉ trọng tín dụng cho vay các doanh nghiệp SME tại Vietcombank trong các năm gần đây tiếp tục tăng trưởng và chiếm trên 8% tổng dư nợ toàn ngân hàng.

Bên cạnh đó, Vietcombank tiếp tục đổi mới và xây dựng hình ảnh Ngân hàng Xanh, ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng ngân hàng số với mục đích đưa hoạt động bảo vệ môi trường trở thành hoạt động thường xuyên, lâu dài, hướng đến sự phát triển bền vững, xây dựng môi trường làm việc xanh. Ngoài ra, đơn vị thành viên của Vietcombank là Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã tư vấn phát hành thành công hơn 1.700 tỉ đồng cho đợt phát hành trái phiếu xanh của EVNFinance – là trái phiếu doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được xác định là trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế.

Vẫn còn khó khăn, thách thức

Mặc dù không ngừng thúc đẩy tín dụng xanh trong thời gian qua, nhưng Vietcombank nói riêng, các doanh nghiệp và ngành ngân hàng nói chung cũng gặp một số khó khăn, thách thức khách quan từ môi trường chính sách và chủ quan từ các doanh nghiệp.

Thứ nhất, ngành ngân hàng vẫn chưa có quy định tiêu chí rõ ràng về tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện quy định về Danh mục phân loại dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Thứ hai, trình độ cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến tín dụng xanh.

Thứ ba, các Tổ chức tín dụng thiếu sự hỗ trợ đồng bộ từ các đơn vị chuyên sâu về môi trường.

Thứ tư, các chính sách ưu đãi về nguồn vốn dài hạn với mức lãi suất ưu đãi của các Tổ chức quốc tế cũng như từ NHNN và các cơ quan bộ ngành còn chưa được ban hành/tiếp cận rộng rãi.

Thứ năm, các dự án đáp ứng đủ tiêu chuẩn tín dụng xanh thường phát sinh thêm các chi phí làm giảm hiệu quả kinh tế trong ngắn hạn cho doanh nghiệp (mặc dù làm tăng hiệu quả cho xã hội).

Theo nghiên cứu của BCG trên toàn cầu, dự báo trong giai đoạn 2025 – 2030, các sản phẩm tài chính bền vững mới sẽ chiếm 10% – 15% tỉ trọng các khoản tài trợ dự án. Đồng thời, Việt Nam đang chứng kiến nhu cầu khổng lồ về tài trợ chuyển đổi, trong đó chủ yếu là tài trợ cho khối tư nhân (nhu cầu tài trợ chuyển đổi 368 tỉ USD giai đoạn 2022 – 2040, xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm, tài trợ cho khối tư nhân 184 tỉ USD, xấp xỉ 3,4% GDP mỗi năm – theo Báo cáo Quốc gia Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2022).

Nguồn: Laodong.vn