Dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán

Ngưỡng hỗ trợ 1.255-1.258 điểm được kiểm nghiệm thành công là một tín hiệu khá tích cực với kênh đầu tư chứng khoán cho thấy bên mua đã sẵn sàng xuống tiền.

Dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán
Khối ngoại đã bắt đầu mua ròng trở lại trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Lê Toàn

VN-Index đã có phiên lội ngược dòng, đảo chiều tăng điểm sau phiên giảm điểm khá mạnh trước đó trong phiên giao dịch ngày 18.7. Thanh khoản sụt giảm khá mạnh so với phiên bán mạnh trước đó, nhưng vẫn tương đương với mức trung bình 20 phiên.

Điểm nhấn tích cực trong phiên hôm qua là VN-Index đã test ngưỡng hỗ trợ 1.255-1.258 điểm thêm một lần nữa và bật tăng trở lại. Đây là một tín hiệu khá tích cực cho thấy bên mua đã sẵn sàng xuống tiền ở mức giá hiện tại.

Tuy rằng tín hiệu đảo chiều chưa được xác nhận, nhưng khả năng cao là áp lực bán đã giảm đi đáng kể và VN-Index khó giảm mạnh thêm trong các phiên tới. Nhà đầu tư ngoại tiếp tục đẩy mạnh giải ngân và ghi nhận phiên mua ròng lớn nhất trong năm 2024, với giá trị lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Asean nhận định thị trường phản ứng tương đối tốt tại vùng mua kỳ vọng đã đề cập trong phiên trước đó khi lực cầu quay trở lại. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng giữ vững đà tăng và trở thành động lực giữ điểm cho thị trường. Ngoài ra, việc chỉ số neo trên vùng 1.250 điểm và vẫn giữ được trendline xu hướng tăng dài hạn kể từ cuối năm 2023.

Do đó, các chuyên gia duy trì khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục cân nhắc giải ngân nếu thị trường có diễn biến gia tăng hoảng loạn, chú ý tập trung vào các cổ phiếu đã chiết khấu và có kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý II tích cực, nhưng chưa có diễn biến tăng với vùng mua hợp lý 1.260-1.265 điểm.

TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital cho rằng, nhiều khả năng vận động phân hóa sẽ diễn ra chủ đạo khi các cổ phiếu đã chạm các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự khác nhau, tuy nhiên xu hướng tăng chính vẫn đang được giữ vững. Nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị nắm giữ tỉ trọng thấp và kết hợp mua trading quay vòng thêm một phần tỉ trọng gối đầu tại các vùng hỗ trợ.

Nhận định về các yếu tố hỗ trợ trong thời gian tới, TS Phương cho rằng, bức tranh lợi nhuận nhiều ngành trong nửa cuối năm 2024 tích cực hơn nửa đầu năm, với động lực từ nhóm phi tài chính sẽ là điểm tựa vững chắc. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận nhóm phi tài chính trong 6 tháng cuối năm 2024 được hỗ trợ bởi mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023 cũng như kết quả từ các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất của Chính phủ và triển vọng tốt hơn từ các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Xét cả năm 2024, mức tăng trưởng lợi nhuận của 80 doanh nghiệp niêm yết đại diện các ngành, chiếm khoảng 70% quy mô vốn hóa trên sàn HOSE ước đạt 19,1%. Khả năng hồi phục trong năm 2024 và duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025 tạo ra sự hấp dẫn trong định giá các nhóm ngành như dệt may, hóa chất, phân bón, khu công nghiệp, bán lẻ, thép.

Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu ngân hàng, thời gian qua, giá cổ phiếu ngành này suy giảm đã kéo định giá P/B năm 2024 của nhiều ngân hàng xuống vùng thấp kể từ năm 2016 đến nay. Với triển vọng lợi nhuận phục hồi, trong đó kế hoạch lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng trưởng khoảng 20%, tỉ lệ trả cổ tức cao…, cổ phiếu nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất này có thể sẽ thu hút dòng tiền trở lại.

Nguồn: Laodong.vn