Tháng 6.2024, Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.123.541 USD, tăng 624% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận ngành dệt may khởi sắc
Theo bản tin nhà đầu tư tháng 7 của Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (Hose: TCM), tháng 6.2024, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 10.294.861 USD, tăng 10% so với cùng kỳ tháng 6.2023.
Lợi nhuận sau thuế tháng 6.2024 là 1.123.541 USD, tăng 624% so với cùng kỳ tháng 6 năm 2023.
Doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 của TCM là 74.381.667 USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 47% so với kế hoạch năm 2024.
Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 là 5.842.524 USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 85% so với kế hoạch năm 2024.
Theo TCM, doanh thu dệt may 6 tháng đầu năm 2024 của công ty đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 74%, vải chiếm 14% và sợi chiếm 8% tổng doanh thu.
Về tình hình đơn hàng, đến thời điểm hiện tại, TCM cho biết đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2024 và khoảng 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý 4.2024. Mục tiêu doanh thu đề ra năm 2024 của TCM là khoảng 3.707 tỉ đồng (157,7 triệu USD), tăng khoảng 12% so với kết quả thực hiện năm 2023.
Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2024 là 161,2 tỉ đồng (6,68 triệu USD), tăng khoảng 21% so với kết quả thực hiện năm 2023.
Cũng là một doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may, ông Phạm Minh Đức – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Định cho biết, hiện nay doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho năm 2024, đang bắt đầu làm việc về đơn hàng quý I, quý II năm 2025. Với tình hình đơn hàng khởi sắc những tháng tới, cả năm nay, doanh thu công ty dự kiến tăng khoảng 35% so với năm 2023.
Vẫn còn đó nhiều sự lo lắng
Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Sau thời gian ảm đạm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày… đã dần khởi sắc khi tăng trưởng với mức hai con số. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều lo lắng.
Bà Hoàng Thùy Oanh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ – cho hay, những tháng đầu năm 2024, lượng hàng có nhiều tín hiệu tích cực; đơn hàng tại Hòa Thọ tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu như năm 2023, hầu hết khách hàng chỉ đặt hàng trong vòng 3 – 4 tháng thì đầu năm nay đã có kế hoạch dài hơn từ 5 – 6 tháng.
Tuy nhiên, bà Hoàng Thùy Oanh cho rằng “đây mới chỉ là dự kiến về kế hoạch đặt hàng, còn hầu hết các khách hàng cũng tương đối thận trọng. Do đó, các đơn vị trong tổng công ty phải theo dõi bám sát tình hình đơn hàng để có công tác chuẩn bị sản xuất tốt mới đáp ứng được tiến độ giao hàng”.
Về kế hoạch đơn hàng cho 6 tháng cuối năm, bà Hoàng Thùy Oanh cho biết, hầu hết các khách hàng của đơn vị chưa có kế hoạch xa hơn vì cần phải tiếp tục theo dõi các diễn biến của thị trường.
“Chúng tôi sẽ bám sát diễn biến của khách hàng và thị trường để có các kế hoạch đơn hàng cho những tháng cuối năm”, bà Hoàng Oanh nói.
Theo bà, bên cạnh các đặc điểm về thị trường, việc cạnh tranh về giá cũng là một trong những vấn đề Hòa Thọ quan tâm. Nhiều khách hàng đưa ra giá mục tiêu thấp hơn để đẩy nhanh lượng hàng bán ra hoặc đưa ra các chương trình hàng khuyến mãi để kích cầu.
Để có thể theo được giá của khách hàng đưa ra thị trường, tất cả các thành viên trong chuỗi cung ứng phải rất cố gắng để đáp ứng được với đơn giá thấp như vậy.
“Tại Hòa Thọ, một số đơn hàng được yêu cầu giảm giá từ 8-14%, đây cũng là những áp lực đối với ngành may của chúng tôi trong công tác tổ chức sản xuất để có giá thành cạnh tranh. Để có hiệu quả, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là thực hành tiết kiệm, nâng cao năng suất”, bà Hoàng Oanh nói.
Cùng với đó, vấn đề căng thẳng tại Biển Đỏ cũng đã làm cho thời gian giao hàng dài hơn so với trước đây từ 10-14 ngày, khách hàng đề nghị đơn vị giao hàng sớm hơn để hạn chế mức độ bị ảnh hưởng.
Vì vậy, đơn vị phải triển khai chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất cũng như duy trì tính linh hoạt trong quá trình triển khai đơn hàng để đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Nguồn: Laodong.vn