Doanh nghiệp, nông dân vẫn gặp khó khi lên sàn thương mại điện tử

Nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn vì tính tiện lợi, mức giá hợp lý. Do đó, nhiều doanh nghiệp, nông dân dần tiếp cận mô hình kinh doanh mới này, tuy nhiên, họ gặp không ít khó khăn về sự thay đổi liên tục của các nền tảng công nghệ.

Doanh nghiệp, nông dân vẫn gặp khó khi lên sàn thương mại điện tử

Nông sản chiếm lợi thế trên sàn thương mại điện tử

Là một nhà sáng tạo nội dung thường xuyên livestream (phát trực tiếp) để giới thiệu các sản phẩm nông sản, OCOP đến người tiêu dùng, chị Lê Phương Anh – chủ kênh TikTok Phương Oanh Daily cho biết, người dân rất thích sử dụng các nông sản, sản phẩm OCOP, nên khi bán trên các kênh thương mại điện tử rất có lợi thế. Các sản phẩm phải đáp ứng nhiều điều kiện về thủ tục chứng nhận, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực tế cho thấy, trên các sàn thương mại điện tử cũng đã xuất hiện nhiều gian hàng có doanh thu hàng tỉ đồng mỗi tháng dù chỉ bán nông sản.

Vào cuối năm 2023, tại huyện Cần Giờ, TPHCM, gần 30 nhà sáng tạo nội dung, nhà bán hàng tiêu biểu đã thực hiện hàng loạt phiên livestream quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng OCOP của TPHCM. Sự kiện thu hút hơn 350.000 người xem, mang về doanh thu 900 triệu đồng.

Đánh giá về tiềm năng khi đem các sản phẩm nông sản tiếp cận khách hàng thông qua sàn thương mại điện tử, ông Nguyễn Văn Nhựt – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật – cho biết: “Thương mại điện tử là cơ hội cho doanh nghiệp vận dụng để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Tôi nghĩ, ngành lương thực là ngành bền vững, nên việc bán hàng qua các phiên livestream, sàn thương mại sẽ có thế mạnh”.

Bà Nguyễn Ngọc Hương – Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi) cho biết, đơn vị đã tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Doanh số bán hàng trên các kênh này rất triển vọng, nhưng cũng không hề dễ dàng.

“Nông dân có lợi thế khi bán hàng qua livestream, người tiêu dùng mua bằng cảm xúc, thường bị thu hút khi nghe nông dân giới thiệu về sản phẩm” – bà Hương cho hay.

Tồn tại nhiều rào cản khi tiếp cận mô hình mới

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nông dân cho rằng, việc quảng bá các sản phẩm nông sản vẫn gặp khó đối với các sản phẩm mới, việc tuân thủ chính sách của các nền tảng tương đối khó khăn.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, để gia tăng giá trị nông nghiệp cho bà con nông dân cần phải tham gia các sàn thương mại điện tử mới đem sản phẩm nông nghiệp của thành phố đến với khách hàng trong và ngoài nước. Trình độ sản xuất của nông dân TPHCM cũng rất cao.

“Tuy nhiên, tới nay, sản phẩm nông nghiệp TPHCM tham gia sàn thương mại điện tử mới chỉ chiếm 1%. Thành phố đã bỏ lỡ một cơ hội rất lớn để bà con nông dân sản xuất nông nghiệp tham gia bán hàng hiệu quả hơn qua các sàn. Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp đô thị đặc trưng của TPHCM đạt chuẩn tốt và có thể tự hào để tham gia các sàn thương mại điện tử” – ông Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM sẽ phối hợp với những đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu để nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và đặc biệt là các chủ thể OCOP, biết cách đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử, cách thức làm video, livestream.

Đại diện TikTok Shop thì lưu ý các cá nhân, tập thể bán hàng trên sàn thường gặp các lỗi như điều hướng lượng người dùng hoặc nói quá về công dụng sản phẩm. Do đó, đơn vị sẽ có chương trình tập huấn cho tất cả các chủ thể có nông sản cần bán để tham gia mở shop, cũng như cách thức xử lý, khắc phục các lỗi vi phạm.

Nguồn: Laodong.vn