Từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động, ảnh hưởng đến hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Trong thư vừa đến Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận (FIATA), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong những năm qua, FIATA đã thể hiện vai trò là một tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực logistics, tập hợp 114 hiệp hội logistics quốc gia, có phạm vi hoạt động tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 40.000 doanh nghiệp trên thế giới có liên quan.
Việt Nam đánh giá cao vai trò của FIATA, thể hiện qua việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp các Chủ tịch FIATA đến thăm Việt Nam trong 2 năm liên tiếp 2023-2024. Việt Nam cũng vinh dự được FIATA lựa chọn làm địa điểm đăng cai Đại hội FIATA vào tháng 10.2025.
Trong thư, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế hướng về xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 369,62 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 190,73 tỉ USD, tăng 14,9%; trị giá nhập khẩu đạt 178,88 tỉ USD, tăng 17,3%. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 11,85 tỉ USD.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Với vai trò của FIATA là cầu nối quan trọng, góp phần thúc đẩy hợp tác về logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa các quốc gia, ông Nguyễn Hồng Diên mong muốn Chủ tịch FIATA hỗ trợ, có những biện pháp thiết thực, giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các khó khăn do tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cảng và thiếu container rỗng nêu trên.
Trong đó đề xuất giải pháp của FIATA cho vấn đề có tính toàn cầu này. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp mà các quốc gia và các hiệp hội thành viên của FIATA đã và đang áp dụng, đặc biệt đối với việc xử lý các khoản phí ngoài cước thu tại cảng.
Trong phạm vi ảnh hưởng của mình với các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nhấn mạnh vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu để có ưu tiên phù hợp về phương tiện và thiết bị vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho thị trường Việt Nam.
Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong chiến lược định vị Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng hóa, địa điểm trung chuyển quốc tế mới của châu Á trong cộng đồng các doanh nghiệp logistics toàn cầu.
Ủy quyền cho các tổ chức Việt Nam tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ FIATA để góp phần nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cao.
Thực tế trong thời gian qua, doanh nghiệp bị bào mòn lợi nhuận vì cước vận tải biển “phi mã”.
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước – cho biết, thị trường EU chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và đây cũng là khu vực cước tàu biển tăng cao nhất.
Theo đó, giá cước tàu biển từ Việt Nam đi châu Âu trên dưới 4.000 – 5.000 USD/container, tăng gấp 2 – 3 lần so với cuối năm ngoái. Trung bình một container xuất đi Mỹ khoảng 6.000 – 7.000 USD, tăng gấp đôi so với trước đó.
Giá cước đi khu vực gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng tăng, dao động từ 1.000 – 2.000 USD/container.
“Cước biển tăng cao cùng với những khó khăn về thị trường, đơn hàng đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản như chúng tôi.
Ngoài việc tăng cước phí thì thời gian vận chuyển hàng hóa cũng tốn nhiều hơn từ 7 – 10 ngày. Điều này làm đảo lộn các kế hoạch giao nhận hàng và sản xuất của chúng tôi cũng như các đối tác” – ông Lĩnh cho hay.
Nguồn: Laodong.vn