Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán đã được cải thiện với những kỳ vọng về sự trở lại mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu trụ cột ngành ngân hàng.
Thị trường chứng khoán đã ngắt mạch giảm điểm bốn phiên liên tiếp trong phiên giao dịch ngày hôm qua 16.7. Tuy vậy, phiên tăng điểm hôm qua chưa thuyết phục, thậm chí còn cho thấy động lực tăng điểm khá yếu. Đóng cửa tăng điểm, nhưng số ngành giảm điểm hoàn toàn áp đảo (16/21 nhóm ngành giảm).
Thanh khoản có sự cải thiện khá tốt, tương đương với mức trung bình 20 phiên. Thanh khoản tăng trở lại, nhưng đà tăng bị thu hẹp về cuối phiên với thân nến đỏ cho thấy áp lực bán vẫn còn khá mạnh.
Khối ngoại cũng đã hãm mạnh đà bán ròng khi giảm tới gần 90% giá trị so với ngày trước đó, giá trị bán ròng chỉ gần 240 tỉ đồng trong phiên hôm qua và trở lại giải ngân tích cực cổ phiếu FPT sau chuỗi ngày xả bán ồ ạt.
Phiên tăng hôm qua chưa đủ động lượng để hình thành xu hướng tích cực hơn, thị trường vẫn đang ở trong kênh tích lũy. Điểm nhấn đáng chú ý, đó là sự trở lại của nhóm cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt nhóm trụ cột ngân hàng phần lớn đóng cửa tăng điểm, cùng các cổ phiếu dược phẩm đứng vững đã bù đắp cho áp lực chốt lời lan rộng trong phiên hôm qua.
Đây cũng là điều nhà đầu tư đang kỳ vọng khi bức tranh lợi nhuận nhiều ngành trong nửa cuối năm 2024 tích cực hơn nửa đầu năm, với động lực từ nhóm phi tài chính. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận nhóm phi tài chính trong 6 tháng cuối năm 2024 được hỗ trợ bởi mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023 cũng như kết quả từ các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất của Chính phủ và triển vọng tốt hơn từ các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng niêm yết trong quý II/2024 dự báo đạt 72.021 tỉ đồng, tăng 7% so với quý I và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng chính so với cùng kỳ là tín dụng cải thiện, chi phí tín dụng và tỉ lệ chi phí trên thu nhập giảm.
Lợi nhuận sau thuế của nhóm ngân hàng thương mại bán buôn có khả năng tăng trưởng cao hơn so với nhóm bán lẻ và nhóm ngân hàng quốc doanh, chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng tốt và chi phí tín dụng giảm.
Dự kiến, lợi nhuận của ngành ngân hàng (dựa trên nhóm cổ phiếu ngân hàng mà BVSC phân tích) tăng 14% trong năm 2024 và tăng khoảng 21% trong năm 2025, với 2 động lực chính gồm tín dụng tăng trưởng và chất lượng tài sản cải thiện.
Đáng lưu ý, lãi suất huy động giảm trong quý I và tăng trở lại từ tháng 4/2024 do lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng khá mạnh, lên hơn 5%/năm. Thời gian tới, mức tăng lãi suất huy động dự kiến từ 0,5 – 1%/năm. Tuy nhiên, lãi suất huy động khó tăng cao nên lãi suất cho vay sẽ không tăng mạnh.
Do chi phí huy động tăng, tăng trưởng tín dụng yếu khiến các ngân hàng phải duy trì lãi suất cho vay thấp, nên biên lãi ròng trong quý I/2024 giảm 0,16%, xuống 3,31%. Kỳ vọng, biên lãi ròng sẽ hồi phục nhờ tín dụng tích cực hơn.
Tăng trưởng tín dụng có thể đạt 9,5% trong nửa cuối năm, lũy kế cả năm đạt 14%, trong bối cảnh kinh tế khởi sắc, thể hiện qua số liệu PMI, xuất khẩu, thị trường bất động sản “ấm” dần… Kinh tế khởi sắc giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện, qua đó giảm tỉ lệ nợ xấu.
Thời gian qua, giá cổ phiếu ngành ngân hàng suy giảm đã kéo định giá P/B năm 2024 của nhiều ngân hàng xuống vùng thấp kể từ năm 2016 đến nay. Với triển vọng lợi nhuận phục hồi, trong đó kế hoạch lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng trưởng khoảng 20%, tỷ lệ trả cổ tức cao…, cổ phiếu nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất này có thể sẽ thu hút dòng tiền trở lại.
Nguồn: Laodong.vn