Áp lực bán vẫn chiếm ưu thế cho thấy, dư địa bán vẫn còn và tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn rất dè chừng khi tham gia thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại. Xác suất cao nhịp chỉnh sẽ tiếp diễn trong các phiên của tuần tới.
Thị trường chứng khoán vừa ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ giữa tháng 4.2024, nhưng thanh khoản khớp lệnh không giảm nhiều (thấp hơn 15% so với mức trung bình 20 tuần). Trong bối cảnh tình hình vĩ mô tương đối ổn định, điều này củng cố khả năng đây chỉ là nhịp điều chỉnh với cường độ nhẹ của thị trường.
Hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần qua tiếp tục là tâm điểm, đặc biệt là lượng trao tay gần 1.800 tỉ đồng ở chứng chỉ quỹ ETF VNDiamond. Tự doanh công ty chứng khoán chính là bên tạo lập thanh khoản cho khối ngoại bán lô ETF này. Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng phần nào khiến thị trường rung lắc mạnh, trong bối cảnh thanh khoản giảm.
Bước sang tháng 7, thị trường đang chờ đợi dữ liệu rất quan trọng với các doanh nghiệp và cả tổ chức đầu tư là báo cáo bán niên có sự soát xét của kiểm toán… cho thấy bức tranh kinh doanh khá rõ ràng của các doanh nghiệp niêm yết trong năm nay.
Theo phân tích của các chuyên gia Công ty Chứng khoán HSC, cục diện điều chỉnh đang mở rộng và chưa xuất hiện các tín hiệu xác nhận đà giảm đã chững lại, nên điểm cân bằng trong ngắn hạn chưa có điều kiện xuất hiện. Dự báo, trong các phiên giao dịch tuần đầu tháng 7, diễn biến rung lắc có khả năng tái diễn và chỉ số có thể kiểm định ngưỡng hỗ trợ mạnh hơn quanh 1.230 – 1.245 điểm, vùng đỉnh cũ của năm 2023.
Các chỉ báo định lượng tiếp tục suy yếu với dòng tiền không còn động lực ngắn hạn và rút lui khỏi nhiều nhóm cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang là nhóm bị rũ bỏ mạnh nhất và chưa có dấu hiệu cải thiện, đặc biệt trong bối cảnh nhóm này chịu áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại. Sự điều chỉnh của nhóm chứng khoán khiến nỗ lực hồi phục khó khăn hơn khi nhóm ngân hàng đã sớm rơi vào đà giảm từ nhịp điều chỉnh trong tháng 4. Ngược lại, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vẫn thu hút được sự chú ý của dòng tiền ngắn hạn và tạo ra những điểm sáng, kể cả trong các phiên chỉ số rung lắc, điều chỉnh.
Ở kịch bản tích cực, các chuyên gia của HSC nhận định, sóng tăng có thể sẽ trở lại nơi xuất phát và khởi nguồn với kỳ vọng gần nhất chính là nhóm vốn hóa lớn. Điều này phù hợp với diễn biến điều chỉnh từ sớm của nhóm này như ngân hàng, bất động sản và gần đây là nhóm chứng khoán.
Ngoài ra, nếu nhịp hồi phục được khởi động trên nền hỗ trợ của nhóm vốn hóa lớn sẽ giúp xu thế tăng trở nên mạnh mẽ và có độ tin cậy cao so với diễn biến luân chuyển ngành xung quanh nhóm vốn hóa vừa và nhỏ như hiện tại (khiến VN-Index không đủ động lực vượt ngưỡng 1.300 điểm).
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kafi cũng cho rằng, VN-Index có thể sẽ tiếp tục vận động trong nhịp điều chỉnh kỹ thuật, sau khi thoái lui từ vùng kháng cự 1.290 – 1.300 điểm. Tuy nhiên, một nhịp tích lũy chặt chẽ tại vùng hỗ trợ 1.250 +/- 20 điểm là cần thiết để tạo nền tảng cho chỉ số có thể hấp thụ áp lực bán và tăng điểm trở lại.
Với giai đoạn tích lũy hiện nay, chiến lược nắm giữ cổ phiếu đang có lợi nhuận dương để chờ vượt cản mạnh đang được ưu tiên. Mặt khác, đây là giai đoạn hợp lý để bắt đầu cơ cấu danh mục, đón kết quả kinh doanh quý II/2024 sẽ dần được công bố trong 2 tuần tiếp theo, ưu tiên giải ngân vào các cổ phiếu bluechips có triển vọng kinh doanh thuận lợi và hút dòng tiền như bán lẻ, ngân hàng, chứng khoán, logistics, cảng biển.
Nguồn: Laodong.vn