Chứng khoán sẽ có nhịp hồi phục sau chuỗi giảm điểm

Thị trường chứng khoán cần cú hích về thanh khoản để thoát ra chuỗi ngày giao dịch khá tiêu cực.

Chứng khoán sẽ có nhịp hồi phục sau chuỗi giảm điểm
Chứng khoán sẽ sớm quay lại đà tăng điểm. Ảnh: Lê Toàn

Thị trường có tuần giao dịch khá tiêu cực khi dòng tiền tham gia không thật sự mạnh mẽ và chỉ số VN-Index giảm mạnh, thậm chí có thời điểm rơi xuống sát mốc 1.220 điểm.

Thống kê giao dịch trên sàn HOSE tuần qua, chỉ số VN-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 22,67 điểm (-1,79%) xuống mức 1.242,11 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE tuần này giảm mạnh với tổng giá trị giảm 17,4% so với tuần trước, xuống mức 80.623 tỉ đồng.

Đáng chú ý là trong tuần qua, nhà đầu tư ngoại đã trở lại mua ròng sau hàng chục tuần bán ròng liên tiếp kể từ cuối tháng 2, với tâm điểm là 2 cổ phiếu SBT và DGC. Thống kê trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 2 phiên và mua ròng 3 phiên. Tổng cộng, khối này đã mua ròng 17,67 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 419,58 tỉ đồng; trong khi tuần trước bán ròng 9,19 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt hơn 782 tỉ đồng.

Thị trường đang đi ngược với các dự báo của các công ty chứng khoán về khả năng hồi phục mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm. Hiện tại, dù ngưỡng hỗ trợ 1.220 điểm đã được giữ vững, song tín hiệu xác nhận đáy vào đảo chiều tăng điểm chưa thể hiện rõ, nhà đầu tư cần tiếp tục thận trọng, chưa vội vàng mua mới và kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn.

Nhà đầu tư cũng kỳ vọng sau một nhịp giảm mạnh, lực cầu bắt đáy giá thấp có thể sẽ xuất hiện và mang lại cơ hội hồi phục cho chỉ số. Các chuyên gia đánh giá bệ đỡ cho thị trường chứng khoán hồi phục trong giai đoạn cuối năm 2024 là triển vọng của kinh tế vĩ mô cùng kết quả kinh doanh tăng trưởng của các doanh nghiệp. Đặc biệt, việc khối ngoại ngưng bán ròng là tín hiệu khả quan và giảm áp lực lớn về sức bán trên thị trường chứng khoán.

Về vai trò dẫn dắt, cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn được các chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng. Sau khi có khởi động chậm trong quý đầu năm 2024, tín dụng bắt đầu tăng tốc từ tháng 4 và đạt xấp xỉ 6% tính đến cuối tháng 6. Tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu 14% khi kết thúc năm 2024, nhờ nhu cầu vốn sẽ khởi động theo sự phục hồi của nền kinh tế.

Với dự báo lợi nhuận năm 2024 của các ngân hàng sẽ tăng trưởng ở mức 15,3%, định giá của các cổ phiếu “vua” vẫn đang ở mức hấp dẫn khi P/B hiện là 1,6 lần, thấp hơn so với trung bình 3 năm gần đây. Vì vậy, ngân hàng nhiều khả năng sẽ là một trong những ngành tiêu điểm cho câu chuyện đầu tư 6 tháng cuối năm nay.

Về nhóm cổ phiếu bất động sản, nhìn ở bình diện chung, thị trường bất động sản đang có bệ phóng mạnh mẽ để sẵn sàng trở lại sau thời gian dài khó khăn. Hầu hết các báo cáo ngành từ các công ty chứng khoán và các đơn vị nghiên cứu thị trường gần đây đều cho rằng doanh số của các doanh nghiệp ngành này sẽ có sự cải thiện mạnh mẽ trong hai quý cuối năm nhờ doanh số bán nhà đã phục hồi từ giai đoạn cuối năm trước; đồng thời, nhiều công ty bất động sản có động thái đặt mục tiêu tăng trưởng tại kỳ đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra.

Theo nhận định của các công ty chứng khoán thì định giá cổ phiếu bất động sản đang ở mức 1,2x, mức thấp nhất kể từ năm 2020 đến nay, trong đó, nhiều cổ phiếu có mức định giá dưới 1.x, cho thấy mức định giá hiện nay của nhóm này là rất thấp. Yếu tố này cộng với những chuyển động từ chính sách và thị trường có thể hỗ trợ tích cực cho đà tăng của nhóm “cổ đất”.

Nguồn: Laodong.vn