Chứng khoán chờ đợi nhịp sóng tăng giai đoạn cuối năm

Thị trường chứng khoán vẫn gặp lực cản lớn về tâm lý để có thể vượt qua vùng kháng cự 1.290 – 1.300 điểm.

Chứng khoán chờ đợi nhịp sóng tăng giai đoạn cuối năm
Nhà đầu tư chờ đợi một sự bứt phá của thị trường chứng khoán dịp cuối năm. Ảnh: Lê Toàn

Mặc dù thanh khoản có cải thiện, nhưng thị trường đã gặp áp lực bán gia tăng ở vùng đỉnh cũ khiến VN-Index đảo chiều giảm nhẹ sau tuần khởi sắc đầu tháng 7.

Việc thị trường thiếu đi những nhịp tăng điểm mạnh mẽ, phần lớn có thể chịu ảnh hưởng đến từ diễn biến giao dịch suy yếu của các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm Ngân hàng và Bất động sản.

Dù các nhóm ngành khác có thể ghi nhận triển vọng tích cực hơn, song tác động tổng thể của những nhóm này vẫn còn hạn chế so với tỉ trọng vốn hóa thị trường lên đến 51% của Ngân hàng và Bất động sản.

Theo đó, ngành Ngân hàng, mặc dù ghi nhận tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong tháng 6 (đạt 6%, trong khi 5 tháng đầu năm mới chỉ đạt 2,4%), tuy nhiên, diễn biến này sẽ khó được phản ánh trong lợi nhuận quý II.

Mặt khác, triển vọng đối với ngành Bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc trong khi chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về việc áp dụng sớm ba luật quan trọng: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023.

Về kết quả kinh doanh, sau mức tăng trưởng khiêm tốn chỉ 5,3% trong quý I/2024, Công ty Chứng khoán MBS dự đoán tổng lợi nhuận thị trường sẽ tăng 9,5% so với cùng kỳ trong quý II/2024, và lần lượt tăng 33,1% và 21,9% trong quý III và quý IV năm 2024.

Đối với năm 2024, lợi nhuận thị trường dự kiến sẽ tăng 20% so với cùng kỳ từ mức nền thấp của năm 2023. Các động lực chính cho sự cải thiện lợi nhuận của thị trường sẽ đến từ hoạt động kinh doanh vững chắc của các ngân hàng (tăng 20% so với cùng kỳ), bán lẻ (tăng 204%), vật liệu xây dựng (tăng 56%) và điện (tăng 25%).

Trong nửa cuối năm 2024, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán MBS nhận thấy sẽ có nhiều yếu tố tác động tích cực đến thị trường. Từ vĩ mô, MBS kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc trong 2 quý cuối năm, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu và cải thiện đầu tư (cả khu vực tư nhân và nhà nước).

GDP năm 2024 dự kiến sẽ tăng trưởng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với năm 2022 là 7,9% (nhưng cao so với mục tiêu của Chính phủ là 6,5%).

Tuy nhiên, MBS cho rằng, vẫn có hai yếu tố có nguy cơ tác động tiêu cực đến thị trường. Thứ nhất, cùng với nhu cầu đồng USD tăng cao cho các hoạt động xuất khẩu, áp lực tỉ giá là rủi ro hàng đầu, điều này sẽ làm giảm sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam.

Thứ hai, MBS ước tính chỉ số CPI có thể tăng trong nửa cuối năm, đẩy CPI trung bình năm 2024 lên 4,3%, gần với mục tiêu của Chính phủ. Bất kỳ rủi ro tăng nào đối với lạm phát đều có thể khiến Ngân hàng Nhà nước chuyển hướng ưu tiên sang kiểm soát lạm phát hơn là kích thích kinh tế.

Trên thị trường, đợt tăng mạnh gần đây đã khiến một số nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu thị trường đã đạt đỉnh hay chưa. Tuy nhiên, MBS tin rằng, nó chưa đạt đến giới hạn. MBS tin rằng, định giá của các cổ phiếu large-cap có vẻ hấp dẫn về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong năm tài chính 2024-2025 so với các nhóm khác. Do đó, chiến lược đầu tư trong nửa cuối năm sẽ là tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn.

Nhìn chung, nhóm phân tích của MBS dự đoán, VN-Index sẽ đạt 1.350 – 1.380 điểm vào cuối năm, sau khi tăng trưởng lợi nhuận 20% trong năm tài chính 2024 và mục tiêu P/E từ 12 đến 12,5 lần.

Nguồn: Laodong.vn