Hà Nội – Tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề ngày 5.7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội – ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu phải nghĩ lớn, làm lớn, đặc biệt là tiếp cận khoa học công nghệ, thị trường, xúc tiến thương mại quốc tế…
Cần nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề
Theo bà Nguyễn Thị Lương – Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên), đơn vị chuyên làm hàng thủ công mỹ nghệ với 95% hàng được xuất khẩu thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ. Thời gian qua, công ty nhận được nhiều sự hỗ trợ của thành phố trong đào tạo nghề, đặc biệt mặt hàng xuất khẩu được hỗ trợ 100% về thuế suất nên các thủ tục nhanh gọn, thuận lợi…
Tuy nhiên, công ty vẫn gặp những khó khăn về chi phí vận chuyển, thiếu mặt bằng để sản xuất. Bà Lương kiến nghị Thành phố tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đặc biệt là được tham gia các hội chợ quốc tế.
Ông Đồng Quang Chính, Giám đốc HTX Đức Anh nêu những khó khăn về chi phí tham gia các chương trình xúc tiến, trong giao thương… và đề nghị thành phố tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài, tạo ra nhiều sân chơi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại…
Sau khi lắng nghe những ý kiến của các doanh nghiệp làng nghề, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội cho biết ngân hàng đã và đang triển khai các chính sách và giải pháp tăng trưởng tín dụng; đẩy mạnh các giải pháp có tính khả thi đối với các gói tín dụng, chính sách ưu đãi góp phần hỗ trợ và tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với người dân, doanh nghiệp. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khách hàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng bằng các giải pháp tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất cho vay; có những sản phẩm gói tín dụng, sản phẩm vay ưu đãi tốt nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làng nghề có thể tiếp cận…
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội khẳng định sẽ luôn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làng nghề, việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại nước ngoài được hỗ trợ theo 2 hình thức: Nếu doanh nghiệp tham gia có gian hàng sẽ được hỗ trợ 100% chi phí; Nếu doanh nghiệp tham gia hội chợ nhưng không có gian hàng sẽ được hỗ trợ vé máy bay…
Tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động
Chủ tịch UBND TP Hà Nội – ông Trần Sỹ Thanh đánh giá cao những ý kiến chia sẻ của các doanh nghiệp, HTX làng nghề. Hiện doanh thu từ các làng nghề của Hà Nội đạt khoảng 1 tỉ USD. Đặc biệt là các doanh nghiệp, HTX đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động ở khu vực nông thôn.
Hiện nay, thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của TP Hà Nội để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô bền vững.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, quan trọng hơn là qua đó chúng ta lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam; mang văn hóa ra thế giới, giao lưu với thế giới. Do đó, TP Hà Nội rất quan tâm tới doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề.
Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh của làng nghề vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, thế mạnh vốn có của mình và lợi thế của Thủ đô… “Do đó, chúng ta phải nghĩ lớn, làm lớn, hợp tác với nhau, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận khoa học công nghệ, thị trường, xúc tiến thương mại quốc tế…”, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cũng cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp làng nghề; nhất là tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Nguồn: Laodong.vn