Đây là một trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra trong Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 diễn ra hôm nay 15.7.
Tham mưu, ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, chỉ thị, thông tư quan trọng
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện và rất đáng khích lệ, đã hoàn thành và hoàn thành vượt kỳ vọng nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ.
“Đạt được như vậy là nhờ các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê đã có những nỗ lực vượt bậc, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm nhiều nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Các kết quả đạt được cho thêm niềm tin và những kỳ vọng, động lực mới để phấn đấu đạt cao hơn mục tiêu năm 2024 được Quốc hội đề ra, nhất là về tăng trưởng kinh tế” – Bộ trưởng nói.
Theo đó trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ KHĐT cho biết Bộ đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: 4 Nghị quyết của Quốc hội, 4 Nghị định của Chính phủ (hiện đang trình 7 Nghị định chờ ban hành), 4 Nghị quyết của Chính phủ, 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 9 Thông tư của Bộ trưởng. Bộ KHĐT làm cơ quan thường trực hoặc giữ vai trò chủ trì, đầu mối tổng hợp của Tổ công tác liên Bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn đầu tư kinh doanh, 6 tổ công tác đôn đốc giải ngân, 26 đoàn công tác của thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, 7 Hội đồng điều phối vùng và nhiều Ban chỉ đạo khác.
Bộ KHĐT cũng làm thường trực Hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia, Dự án quan trọng quốc gia; hoàn thành 45 đề án, báo cáo lớn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KHĐT…
7 nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu trong nửa cuối năm 2024
Góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, phát triển đất nước năm 2024 và thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu như sau trong 6 tháng cuối năm.
Một, tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt để hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Ba, tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để kịp thời điều chỉnh, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công.
Bốn, thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội XIV của Đảng để xây dựng Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021 – 2030), Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2026 – 2030 trình Đại hội XIV của Đảng.
Năm, triển khai thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng đối với các đề án, nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung vào một số đề án, nhiệm vụ trọng tâm như nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công. Trình Chính phủ ban hành các Nghị định: Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo…
Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời, bảo đảm công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2026 – 2030, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 – 2030. Tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương, Nghị quyết số 106/2023/QH15, trên cơ sở đó, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng. Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch 5 vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức Diễn đàn quốc gia về chuyển đổi xanh…
Sáu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát các quy định pháp luật về huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài để làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực hiện huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn này. Nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 20/2023/NĐ-CP và Nghị định số 114/2021/NĐ-CP.
Bảy, tiếp tục điều tra, tổng hợp và cung cấp thông tin thống kê kịp thời, chính xác phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Nguồn: Laodong.vn