Bình Dương hiện nằm trong top 5 địa phương có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh của cả nước.
Cổng thông tin Bộ Công Thương trích dẫn thống kê cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có gần 2.300 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ, gồm 442 doanh nghiệp dệt may, 172 doanh nghiệp da giày, 593 DN chế biến gỗ và 710 doanh nghiệp cơ khí… Có thể kể đến những dự án phát triển công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ được đầu tư rất lớn như: Dự án nhà máy sản xuất lốp xe, túi khí ôtô với vốn đầu tư lên tới 1 tỉ USD, trên diện tích 42ha của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc); dự án sản xuất sợi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) với vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỉ USD; dự án nhà máy chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm của Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore), có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD…
Cùng với đó, có nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ hoạt động trước đây đã tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Mới đây, Công ty TNHH Panasonic Electric Works chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thiết bị nối dây tại KCN VSIP 2. Nhà máy mới này giúp nâng công suất của công ty lên 1,8 lần so với mức hiện tại, đạt gần 150 triệu thiết bị/năm.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tetra Pak đã công bố sẽ đầu tư thêm 97 triệu Euro vào nhà máy sản xuất hộp giấy đựng đồ uống tại tỉnh Bình Dương, nâng tổng mức đầu tư kể từ năm 2019 đến nay lên hơn 217 triệu Euro. Hay trước đó, Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) cũng đã 2 lần tăng thêm vốn, nâng tổng vốn đầu tư hiện nay của công ty lên hơn 1,37 tỉ USD.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong tổng số hơn 40,6 tỉ USD vốn đầu tư FDI vào Bình Dương có hơn 74% vốn tập trung lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 ước tăng 3,87% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,56%.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương – đánh giá, ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh dù đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng.
Thời gian qua, địa phương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện – điện tử… Song tỉnh Bình Dương vẫn chưa có khu công nghiệp về công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu. Tới đây, khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ đi vào hoạt động sẽ giúp Bình Dương tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều tập đoàn quốc tế lựa chọn để đầu tư, phát triển sản xuất sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thanh Hà thông tin thêm, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đang được tạo điều kiện phát triển để từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ tạo sự liên kết, chuyên môn hóa, sớm hình thành hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện với hàm lượng công nghệ cao…
Tỉnh cũng sẽ đầu tư phát triển 4 cụm công nghiệp hỗ trợ với diện tích mỗi cụm 75ha, trong đó xây dựng 1 cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành cơ khí. Bình Dương cũng đã quy hoạch thêm 1 khu công nghiệp ngành cơ khí để góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Bình Dương.
Nguồn: Laodong.vn