Áp lực trả nợ cao, loạt doanh nghiệp xin gia hạn nợ trái phiếu

Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với gánh nặng đáo hạn nợ trái phiếu rất lớn, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm cách hoán đổi, giãn nợ trái phiếu để giảm áp lực thanh toán nợ vay.

Áp lực trả nợ cao, loạt doanh nghiệp xin gia hạn nợ trái phiếu
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn ở mức cao. Ảnh minh họa: Lục Giang

Công ty CP Đầu tư Năng lượng Hoàng Sơn 2 vừa công bố nghị quyết người sở hữu trái phiếu liên quan đến việc gia hạn lô trái phiếu 500 tỉ đồng thêm 2 năm, đồng thời điều chỉnh tiến độ thanh toán, lãi suất trái phiếu.

Theo đó, Năng lượng Hoàng Sơn 2 đã công bố các thông tin theo Nghị quyết người sở hữu trái phiếu số 1217/2024/NQ/NSHTP-HS2 ngày 1.7.2024. Lô trái phiếu HS2.H.20.23.001 được gia hạn thêm 2 năm, ngày đáo hạn là 25.3.2025. Lãi suất trái phiếu áp dụng trong 2 năm gia hạn là 8%/năm. Tiến độ thanh toán được chia thành 3 kỳ, 2 kỳ đầu thanh toán trong năm 2024, kỳ thứ 3 thanh toán vào 25.3.2025.

Liên quan đến lô trái phiếu này, ngày 5.7.2024, Năng lượng Hoàng Sơn 2 đã mua lại trước hạn 39,769 tỉ đồng, đưa khối lượng còn lại sau khi mua lại (theo mệnh giá) của lô trái phiếu HS2.H.20.23.001 về còn hơn 464,23 tỉ đồng.

Năng lượng Hoàng Sơn 2 có lĩnh vực kinh doanh chính là: Đầu tư vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.

Theo BCTC năm 2023, công ty lỗ 77,4 tỉ đồng, năm trước Năng lượng Hoàng Sơn 2 cũng ghi nhận khoản lỗ 66,7 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 38,6 tỉ đồng, giảm 66,7% so với số vốn 116 tỉ đồng năm 2022.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 14,55 lần, tương đương nợ phải trả của doanh nghiệp thời điểm cuối năm 2023 ở mức 561 tỉ đồng, tăng mạnh 15% so với năm 2022. Như vậy, nợ phải trả của của Năng lượng Hoàng Sơn 2 cao gấp 14,5 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu ở mức 12,95 lần, tương đương dư nợ trái phiếu của cuối năm 2023 ở mức 499 tỉ đồng, không biến động so với năm 2022.

Tương tự, Công ty TNHH Bất động sản Vĩnh Xuân cũng liên tục công bố việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản và điều kiện của trái phiếu các mã VINHXUAN2020-01, VINHXUAN2020-02, VINHXUAN2020-03. Theo đó, các mã trái phiếu đều được gia hạn thêm 1 năm, đáo hạn tháng 6 và tháng 7.2025.

Bất động sản Vĩnh Xuân liên tục xin giãn hạn thanh toán trái phiếu trong bối cảnh doanh nghiệp đang đứng trước áp lực trả nợ lớn và liên tục kinh doanh thua lỗ. BCTC năm 2023 của Bất động sản Vĩnh Xuân ghi nhận doanh nghiệp lỗ sau thuế 19,4, năm 2022 công ty cũng báo lỗ 1,2 tỉ đồng.

Tại ngày 31.12.2023, vốn chủ sở hữu của Vĩnh Xuân đạt 252,2 tỉ đồng, giảm 7% so với năm 2022. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 4,23 lần, tương ứng nợ phải trả ở mức 1.066 tỉ đồng, tăng nhẹ 1,3% so với năm 2022.

Trong đó, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp ở mức 1.000 tỉ đồng, chiếm 93,8% trong cơ cấu nợ phải trả. Đáng chú ý, tổng số nợ phải của Bất động sản Vĩnh Xuân cao gấp 4,2 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Một “ông lớn” bất động sản liên tục có những động thái tích cực trong việc cơ cấu nợ và giãn nợ vay là Tập đoàn Novaland mới đây cũng thông qua phương án tái cấu trúc lô trái phiếu chuyển đổi 300 triệu USD.

Dư nợ gốc (sau khi nhập lãi) tương ứng với ngày hiệu lực từ ngày 5.7 của phương án tái cấu trúc là 320,9 triệu USD. Thời hạn thanh toán lô trái phiếu này được giãn tới tháng 6.2027 hoặc mua lại trước hạn.

Cuối tháng 6 vừa qua, Novaland đã được các trái chủ đồng ý gia hạn 8/17 lô trái phiếu NVL2020 với tổng giá trị phát hành gần 3.200 tỉ đồng, thay đổi kỳ hạn trái phiếu lên 60 tháng, tức đáo hạn từ tháng 6 – 8.2025. Các công ty con của Tập đoàn cũng đạt được những thỏa thuận khả quan tương tự.

Chỉ tính riêng tuần đầu tháng 7.2024 có 9 doanh nghiệp thông báo chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu và thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu, chủ yếu là gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm 12-24 tháng.

Nguồn: Laodong.vn