Với Hà Nội, giảm nghèo theo chuẩn chung quốc gia đã từ lâu không còn là trọng yếu khi thành phố đã ban hành chuẩn nghèo riêng cao hơn chuẩn nghèo quốc gia từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu đến năm 2030 là thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 – 13.000 USD… câu chuyện tạo việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân trở thành vấn đề trọng yếu.
Biến “điểm yếu” thành lợi thế
Về xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì hôm nay, dư âm của một xã đặc biệt khó khăn đã không còn. Từ một địa phương đất đồi núi còn nhiều khó khăn, kinh tế phụ thuộc trồng ngô, cây lúa cấy vụ được, vụ không, sự tiên phong của địa phương trong định hướng người dân phát triển nghề chăn nuôi bò sữa, trồng mai trắng cùng trợ lực dòng vốn tín dụng chính sách từ những ngày đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Như gia đình anh Phạm Văn Giang, thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh. Năm 2014, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 20 triệu đồng nguồn vốn nước sạch vệ sinh môi trường và 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm phát triển trồng cỏ chăn nuôi bò sữa. Từ 2 con bò giống đầu tiên, đến nay, gia đình anh đã có 10 con bò sữa, cho thu hoạch 80kg sữa/ngày. Trừ chi phí mỗi tháng gia đình anh thu nhập ròng 20 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ việc chăn nuôi bê…
Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh chia sẻ, là một trong 7 xã miền núi khó khăn của huyện Ba Vì, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã trở thành động lực, chất xúc tác cho người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, gia tăng thu nhập.
Hiện toàn xã có 927 hộ dân được tiếp cận vốn tín dụng chính sách xã hội với dự nợ 44 tỉ đồng. Không chỉ tạo việc làm gia tăng thu nhập, nguồn vốn tín dụng chính sách còn trở thành động lực cho xã thực hiện việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình tăng tốc
Xã Tản Lĩnh chỉ là một trong những hiệu ứng từ việc triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW. Trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm và từng giai đoạn, các cấp ủy, chính quyền Hà Nội luôn coi tín dụng chính sách xã hội là một trong những giải pháp mang tính căn cơ, trọng điểm. Qua đó triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, từng địa phương về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Cũng từ đây, việc triển khai tín dụng chính sách gắn với tạo lập nguồn vốn từ ngân sách địa phương được đưa vào chương trình, kế hoạch của Thành ủy, UBND Thành phố hằng năm và trong từng giai đoạn. Kết quả là từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển bổ sung qua chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội để cho vay tăng 7.615 tỉ đồng (694%) so với năm 2014.
Trong những năm tới Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Xác định việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và các giai đoạn tiếp theo của thành phố.
Nguồn: Laodong.vn