EVN trả 18.985 tỉ đồng lãi vay trong năm 2023, tăng hơn 4.000 tỉ đồng so với năm 2022 (chi phí lãi vay của EVN năm 2022 là 14.500 tỉ đồng).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023. Theo đó, năm ngoái, tổng doanh thu hợp nhất của EVN đạt hơn 500.000 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2022. Lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 13.000 tỉ đồng, tăng hơn 20%.
Dù doanh thu tăng, nhưng trong năm 2023, EVN lỗ sau thuế lên tới 26.700 tỉ đồng do chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp ăn mòn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.
EVN trả 18.985 tỉ đồng lãi vay trong năm 2023, tăng hơn 4.000 tỉ đồng so với năm 2022 (chi phí lãi vay của EVN năm 2022 là 14.500 tỉ đồng). Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp phải trả hơn 50 tỉ đồng tiền lãi vay.
Chi phí hoạt động của EVN cũng cao hơn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong năm ngoái là hơn 21.400 tỉ đồng, trong đó, chi phí bán hàng “ngốn” tới 6.600 tỉ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 14.799 tỉ đồng.
Trong báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch năm 2023, EVN cho biết, mặc dù EVN và các đơn vị cũng đã nỗ lực thực hiện các giải pháp như tiết kiệm chi phí (tiết kiệm, tiết giảm 15% chi phí thường xuyên, từ 20-50% chi phí sửa chữa lớn) và tiếp tục thực hiện các giải pháp để cố gắng cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần (tăng 3% từ ngày 4.5.2023 và tăng 4,5% từ ngày 9.11.2023) nhưng vẫn không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện, nên tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.
Theo EVN, các nguyên nhân chính làm tăng chi phí khâu sản xuất điện như giá nhiên liệu vẫn ở mức cao. “Mặc dù đã giảm so với năm 2022 nhưng giá nhiên liệu năm 2023 vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước đây”, báo cáo của EVN nêu.
Bên cạnh đó, cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thuỷ điện giảm, trong khi tăng huy động các nhà máy nhiệt điện than, dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá thành thủy điện. Chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng.
Theo quyết định thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ 15.5.2024, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng. Tức là, mỗi năm sẽ có thể có 4 đợt thay đổi giá. Trong khi đó, cơ cấu biểu giá điện đang được Bộ Công Thương rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp để tăng cạnh tranh trong ngành điện.
Nguồn: Laodong.vn