Theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), thị trường vàng toàn cầu đang bắt đầu có sự thay đổi tích cực khi nhu cầu đầu tư tăng lên vào tháng 6.2024.
Châu Âu dẫn đầu thị trường vàng, nhu cầu tại Bắc Mỹ còn yếu
Theo Kitco, thị trường vàng toàn cầu đang chứng kiến sự phân hóa rõ rệt giữa các khu vực.
Châu Âu tiếp tục dẫn đầu với nhu cầu đầu tư vàng tăng cao, nhờ vào việc giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương và bất ổn chính trị. Các quỹ niêm yết tại châu Âu đã ghi nhận dòng vốn vào 17,9 tấn, trị giá 1,42 tỉ USD.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng không có gì ngạc nhiên về nhu cầu tăng lên trong khu vực này khi các ngân hàng trung ương, bao gồm Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và Ngân hàng Trung ương châu Âu, bắt đầu giảm lãi suất, Ngân hàng Anh cũng đã có “diễn biến nhẹ nhàng”. Các nhà kinh tế dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 8 sắp tới.
“Việc giảm lãi suất là một yếu tố quan trọng giúp thu hút dòng vốn vào khu vực này. Ngoài ra, sự suy giảm của thị trường chứng khoán và những bất ổn chính trị liên quan đến các cuộc bầu cử ở Vương quốc Anh và Pháp cũng đã kích thích một lượng lớn vốn đầu tư và tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư vào vàng” – các nhà phân tích cho biết thêm.
Ngược lại, Bắc Mỹ ghi nhận sự suy giảm trong nhu cầu vàng do sức mạnh của đồng USD và sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Các quỹ ETF Bắc Mỹ đã chứng kiến dòng vốn ra 8,2 tấn, trị giá 573 triệu USD.
Theo các nhà phân tích của WGC, “sức hấp dẫn của đồng USD và sự tăng trưởng liên tục của thị trường chứng khoán có thể đã làm giảm sự quan tâm của nhà đầu tư đối với vàng, mặc dù lợi suất trái phiếu đã giảm. Tuy nhiên, sự bùng nổ của rủi ro địa chính trị đã kích thích dòng vốn vào từng đợt, bù đắp một phần cho các dòng vốn ra lớn hơn trong tháng”.
Mặc dù nhu cầu vàng tại Bắc Mỹ vẫn yếu, các nhà phân tích lưu ý rằng nó có thể dễ dàng thay đổi nếu FED bắt đầu nới lỏng lãi suất.
So với các khu vực khác, châu Á vẫn duy trì là trụ cột vững chắc của thị trường với sự ổn định và dòng vốn đầu tư liên tục vào vàng, đặc biệt là từ Trung Quốc và Nhật Bản. Các quỹ niêm yết tại châu Á đã chứng kiến dòng vốn vào trong 16 tháng liên tiếp. Khu vực này đã ghi nhận dòng vốn vào 7,2 tấn, trị giá 560 triệu USD.
“Tương tự như những tháng trước, dòng vốn vào châu Á chủ yếu được thúc đẩy bởi Trung Quốc, quốc gia này đã thêm 429 triệu USD trong tháng 6 vừa qua. Các yếu tố duy trì sự quan tâm của nhà đầu tư Trung Quốc vào vàng bao gồm sự suy yếu kéo dài của thị trường cổ phiếu và bất động sản, cùng với sự suy giảm liên tục của đồng Nhân dân tệ. Nhật Bản cũng chứng kiến tháng thứ 16 liên tiếp có dòng vốn vào trong tháng 6 vì sự suy yếu của đồng Yên” – các nhà phân tích cho biết.
Các khu vực khác trên thế giới ghi nhận dòng vốn vào 0,7 tấn, trị giá 37,4 triệu USD.
Tác động của FED đến thị trường toàn cầu
Phát biểu của Chủ tịch FED – ông Jerome Powell đã gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến thị trường vàng toàn cầu. Trong buổi điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ vào sáng 9.7 vừa qua, ông Powell đã nhấn mạnh rằng FED vẫn tập trung vào mục tiêu thúc đẩy tối đa việc làm và ổn định giá cả.
Chủ tịch FED nhấn mạnh, FED chưa sẵn sàng cắt giảm lãi suất, điều này đã làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư về việc lãi suất sẽ sớm giảm. Lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của vàng, vì vàng không sinh lãi suất. Do đó, giá vàng có thể giảm khi thị trường kỳ vọng với triển vọng lãi suất duy trì ở mức cao.
Tại Bắc Mỹ, nếu FED thực sự cắt giảm lãi suất vào cuối năm như một số nhà kinh tế dự đoán, nhu cầu vàng tại khu vực này có thể tăng trở lại khi nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản an toàn hơn.
FED bắt đầu nới lỏng chính sách, có thể thúc đẩy thêm nhu cầu vàng vốn đang tăng tại khu vực châu Âu và các khu vực khác, đặc biệt là châu Á, nơi nhu cầu vàng vẫn mạnh mẽ.
Nguồn: Laodong.vn