Huyện Bình Liêu, Quảng Ninh, kỳ vọng nâng thu nhập bình quân đầu người 5.000 USD/năm

Từ cặp chợ biên giới được nâng cấp lên cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô – Động Trung, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng thu nhập bình quân đầu người đạt 5.000 USD/năm.

Huyện Bình Liêu, Quảng Ninh, kỳ vọng nâng thu nhập bình quân đầu người 5.000 USD/năm

Cửa khẩu Hoành Mô, huyện vùng cao Bình Liêu thành lập từ năm 1991, nâng cấp lên cửa khẩu chính vào năm 2012. Hiện cửa khẩu Hoành Mô được mở rộng diện tích trên 33ha với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: nông lâm sản, nhập khẩu vải may mặc, gạch ốp lát, phụ gia thực phẩm, hàng nội thất, phụ tùng ô tô, hàng tiêu dùng…

Đây là một trong ba khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc) trong 5 năm qua đạt khoảng trên 80 triệu USD/năm.

Đáng chú ý, cửa khẩu Hoành Mô có lợi thế về tiềm năng thị trường xuất khẩu lớn với huyện Ninh Minh và khu Phòng Thành (Trung Quốc). Đây là các đơn vị hành chính có quy mô dân số lớn với kinh tế tăng trưởng nhanh, là thị trường lớn về hàng tiêu dùng, thực phẩm, hải sản và du lịch.

Điểm nhấn quan trọng nhất sau khi trở thành cặp cửa khẩu song phương từ ngày 25.6.2024 là các doanh nghiệp Trung Quốc được phép làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo loại hình chính ngạch thay vì đang áp dụng chính sách hàng hóa nhập khẩu theo định mức miễn thuế của cư dân biên giới.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Đỗ Hải Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô thông tin: “Thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc quản lý theo cửa khẩu phụ. Lượng hàng hóa thông quan mới chỉ khoảng 20 – 30 phương tiện qua lại/ngày, đóng góp ở lĩnh vực này vào thu ngân sách địa phương còn rất khiêm tốn.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là hàng hóa thông quan còn nghèo nàn trong khi đó cơ sở hạ tầng, nhất là về kho bãi còn yếu kém, hạn chế. Cùng với đó, theo chính sách từ phía Trung Quốc thì mỗi 1 cư dân được hưởng là 8.000 NDT. Nhưng nay nâng cấp lên cửa khẩu song phương, hàng hóa của Việt Nam sẽ được làm thủ tục theo loại hình là xuất khẩu kinh doanh không hạn mức, thời gian thông quan do 2 bên thống nhất.

Cư dân biên giới tham gia bốc xếp hàng hóa tại cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh để tăng thu nhập. Ảnh: Đoàn Hưng

Ông Nông Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu – cho biết: “Sau khi nâng cấp thành cửa khẩu song phương, bà con đã đi làm hộ chiếu để thuận lợi cho việc đi lại, lao động, làm việc khu vực biên giới Việt – Trung. Nhiều tổ bốc vác hàng hóa khu vực cửa khẩu đã được khởi động. Nông sản, rau, củ quả nhất là hồi quế của địa phương sẽ được giá hơn”.

Ông Phạm Đức Thắng – Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu – bày tỏ quan điểm: “Gần đây, từ nguồn ngân sách địa phương, Quảng Ninh đã nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, kết nối huyện với Quốc lộ 18C, 18A và kết nối từ cửa khẩu Hoành Mô với cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà). Đặc biệt khi tuyến cao tốc từ Móng Cái – Vân Đồn đi vào hoạt động đã giúp các huyện biên giới gần hơn các trung tâm phát triển như Hà Nội, Hải Phòng.

Là cửa khẩu song phương, Bình Liêu kỳ vọng có thể thông quan hàng hóa từ 5 – 10 triệu tấn/năm và xuất nhập cảnh qua lại biên giới hàng trăm nghìn lượt người/năm. Đây là động lực mới để Bình Liêu nâng cao thu nhập của người dân miền núi, đạt 5.000 USD/năm”.

Nguồn: Laodong.vn