Dòng tiền gặp khó, doanh nghiệp bán dự án để xoay sở vốn

Các kênh huy động vốn tắc nghẽn, dòng tiền gặp khó, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải bán dự án, bán vốn,… để thanh toán các khoản nợ và đảm bảo nguồn tài chính phát triển dự án.

Dòng tiền gặp khó, doanh nghiệp bán dự án để xoay sở vốn

Nhiều “ông lớn” bán dự án

Mới đây, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC đã thông qua việc công ty con là Công ty CP ADEC chuyển nhượng một phần Dự án Khu dân cư ADC tại phường Phú Mỹ, Quận 7, TPHCM.

Dự án có diện tích 373.544 m2 và giá chuyển nhượng không thấp hơn 2 triệu đồng/m2, ước tính ADEC có thể thu về tối thiểu 747,1 tỉ đồng. Số tiền này dự kiến để bổ sung nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của ADEC.

Kế hoạch thoái vốn của ADEC diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này không đủ nguồn tiền để thanh toán nợ gốc 47,3 tỉ đồng lô trái phiếu ADECH2123001 (đáo hạn ngày 5.4.2024).

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của ADEC cũng không khả quan, doanh nghiệp chỉ lãi 1,3 tỉ đồng trong năm 2023, năm trước lợi nhuận sau thuế của công ty cũng chỉ ở mức 500 triệu đồng. Ngược lại, nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 424 tỉ đồng, tăng mạnh 36% so với năm 2022.

Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) cũng muốn chuyển nhượng khu dịch vụ thương mại thuộc Khu phức hợp Cap Saint Jacques – Giai đoạn 1 tại TP Vũng Tàu cho Công ty TNHH Du lịch DIC (DIC Hospitality), tuy nhiên các thông tin chi tiết về giá trị thương vụ không được công bố.

Cap Saint Jacques có quy mô 11.311,6 m2, gồm 3 khối công trình cao từ 27 đến 31 tầng, tổng vốn đầu tư 3.577 tỉ đồng, trong đó, giai đoạn 1 là khối căn hộ du lịch C1 với 372 căn đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, công ty cũng thông qua kế hoạch thoái vốn khỏi một số công ty kinh doanh không hiệu quả như Công ty CP Gạch Men Anh Em DIC và thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Cao su Phú Riềng Kratie, thời gian chuyển nhượng trước ngày 30.9.2024.

Những động thái thoái vốn, chuyển nhượng dự án của DIC Corp diễn ra trong bối cảnh tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp khá ảm đạm.

Kết thúc quý đầu năm, DIC Corp chỉ còn ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 488 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước con số là 196 tỉ đồng. Mất doanh nhưng công ty vẫn phải chịu các khoản chi phí hoạt động khiến cho DIC Corp báo lỗ kỷ lục 121,2 tỉ đồng trong quý I/2024. Cùng kỳ năm ngoái công ty vẫn có lãi 76,6 tỉ đồng.

Mặt khác, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng thêm 1.000 tỉ trong 3 tháng đầu năm, lên mức 9.993 tỉ đồng. Trong khi đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của DIC Corp trong quý đầu năm cũng ở mức âm 504 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước chỉ âm 75 tỉ đồng; dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 982 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước dương 1.143 tỉ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản “khát vốn”

Tháng 6.2024, Công ty CP Đầu tư Nam Long đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 25% vốn tại Dự án Nam Long Đại Phước (tên thương mại là Paragon Đại Phước) có giá trị 662 tỉ đồng cho đối tác chiến lược Nhật Bản Nishi Nippon Railroad…

Trong quý đầu tiên của năm 2024, Nam Long đạt doanh thu 205 tỉ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ và giảm 87,5% so với quý liền trước. Kết thúc quý I, công ty lỗ sau thuế 65 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lãi 16 tỉ đồng.

Tình hình tài chính doanh nghiệp cũng kém tích cực với dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm 553 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước ghi nhận âm 752 tỉ đồng.

Bên cạnh bán dự án, một số công ty bất động sản, xây dựng cũng bán vốn, bán cổ phần, chuyển nhượng khoản đầu tư,… tại các công ty từng tham gia đầu tư góp vốn.

Điển hình, Bất động sản Phát Đạt đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 49% cổ phần đang nắm giữ tại Công ty CP Đầu tư Bất động sản BIDICI; Xây dựng Hòa Bình thông qua việc chuyển nhượng vốn góp tại Công ty CP Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt, Công ty CP Kỹ thuật Jesco Hòa Bình, Công ty TNHH MTV Máy xây dựng Matec; Vinaconex chuyển nhượng toàn bộ cổ phần và không còn vốn góp tại Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh…

Nhận định về các kênh huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Propertyguru Việt Nam cho biết, doanh nghiệp bất động sản có 3 nguồn vốn chính. Một là vốn tự có, hai là vốn vay ngân hàng và ba là vốn huy động từ khách hàng.

Ông Quốc Anh cho rằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp là hữu hạn. Còn đối với vốn vay ngân hàng, các doanh nghiệp bất động sản muốn vay ngân hàng thì tính pháp lý dự án phải được đảm bảo mới đáp ứng được điều kiện vay vốn. Tuy nhiên, hiện rất nhiều dự án pháp lý không đảm bảo khiến chủ đầu tư bất động sản gặp khó trong việc vay vốn ngân hàng.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp thường tìm đến giải pháp nữa là huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu hiện tại cũng rơi vào tình trạng tắc nghẽn, nhiều khoản nợ trái phiếu đến hạn và quá hạn chưa được thanh toán,… Những yếu tố trên cho thấy các kênh huy động vốn bất động sản đang gặp nhiều khó khăn” – ông Quốc Anh nhận định.

Nguồn: Laodong.vn