Nhiều giải pháp đồng bộ để tăng trưởng GDP đạt 6-6,5% trong năm 2024

Kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, cao hơn mức tăng trưởng mục tiêu cận trên tại Nghị quyết 01 đề ra 5,5%-6% là một dấu hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024. TS Nguyễn Thị Hương – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê – đã có cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động.

Nhiều giải pháp đồng bộ để tăng trưởng GDP đạt 6-6,5% trong năm 2024

– Kết quả này cho thấy hiệu quả của những nỗ lực, sát sao, kịp thời trong điều hành Chính sách của Chính phủ, Nhà nước, các bộ, ngành và sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp, người dân trên con đường khôi phục và phát triển kinh tế. Tính đến tháng 6.2024, các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó (tăng từ 0,1-0,3 điểm phần trăm)… điều này sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm.

Thưa bà, trên cơ sở kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, bà đánh giá những ngành trọng điểm nào sẽ đẩy nhanh tăng trưởng GDP trong 6 tháng còn lại của năm?

– Nền kinh tế 6 tháng cuối năm có nhiều yếu tố thuận lợi tạo đà cho tăng trưởng. Trước hết là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi thời tiết bước sang mùa mưa, tình trạng nắng hạn và xâm nhập mặn không còn là mối lo ngại với người sản xuất nông nghiệp.

Đối với ngành công nghiệp (CN) và xây dựng, với sự phục hồi của kinh tế thế giới, việc 6 tháng đầu năm đã có tăng trưởng đáng ghi nhận là tiền đề cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành CN chế biến, chế tạo quý III khả quan hơn quý II với 40,7% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 42,2% DN giữ ổn định là một tín hiệu tốt cho sự phục hồi của ngành CN chế biến, chế tạo trong những tháng tới.

Ngành dịch vụ có cơ hội phát triển trong 6 tháng cuối năm khi quý III tiếp tục là mùa du lịch cao điểm, khai thác tốt hoạt động du lịch sẽ lan tỏa mạnh tới khối ngành dịch vụ thị trường.

Tiêu dùng trong nước vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với lợi thế thị trường tiêu thụ hơn 100 triệu dân. Một số yếu tố kích thích tiêu dùng trong nước 6 tháng cuối năm như: Chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang trình Quốc hội thông qua; chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2024 sẽ mang lại nhiều ý nghĩa cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao đời sống, tăng tiêu dùng và năng suất lao động, đóng góp vào tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm. Xuất khẩu Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm.

Đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu là khâu quan trọng đẩy nhanh “cỗ xe tam mã” về đích. Theo bà, cần các giải pháp nào để đẩy mạnh xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm?

– Để thúc đẩy XK phát triển trong 6 tháng còn lại, cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số nhóm giải pháp, trong đó tập trung tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA, đồng thời phổ biến cách thức tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.

Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại; Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Doanh nghiệp là yếu tố tạo ra hàng hóa, sản phẩm cho xã hội. Theo bà, cần hỗ trợ gì để DN phát triển, tạo ra của cải, góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2024 đạt mức 6-6,5%?

– Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm, nếu không có biến động lớn, khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5%.

Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5% vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt nhằm duy trì ổn định tình hình kinh tế – chính trị – xã hội; đảm bảo các cân đối vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát…

Theo kết quả khảo sát, các DN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành và địa phương hỗ trợ cho các DN trong SXKD, bao gồm các vấn đề về lãi suất cho vay, nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chính sách thuế, phí, lệ phí, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, cắt giảm các thủ tục hành chính…

– Xin cảm ơn bà

Nguồn: Laodong.vn