5 bước lập quỹ dự phòng để “cứu cánh” trong tài chính gia đình

Theo chuyên gia, trong tài chính hôn nhân, quỹ dự phòng là điều quan trọng, cần sự quyết định chung của cả hai vợ chồng.

Khi xác định bước vào hôn nhân đồng nghĩa với việc trở thành người trưởng thành, tự lập và sẵn sàng cho một cuộc sống riêng. Do đó việc cả 2 vợ chồng cần chủ động chuẩn bị mọi thứ cho cuộc sống sắp tới là một điều cần thiết, đặc biệt là khía cạnh tài chính.

Nhiều chi phí cần chuẩn bị trước khi về một nhà có thể kể ra như: thủ tục truyền thống (dạm ngõ, hỏi, cưới…), khám tiền hôn nhân, tiêm ngừa, bảo hiểm thai sản, chi phí cho chỗ ở, khoản dự phòng nhất định liên quan đến những rủi ro về sức khỏe, công việc…

Theo bà Lưu Thanh Thảo – Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, để minh bạch trong tài chính hôn nhân, cả 2 người cần ngồi lại cùng nhau rà soát tình hình tài chính hiện tại, và thiết lập mục tiêu tài chính ngắn cũng như dài hạn để cùng nhau phấn đấu.

“Cân đối thu chi hàng tháng, phân chia trách nhiệm tài chính, ai sẽ chi trả cho khoản nào hay đóng góp bao nhiêu vào các khoản chi chung của gia đình, làm tốt công tác quản lý chi tiêu thì sẽ có dư, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư. Để có thể đưa ra các quyết định đầu tư thông minh hiệu quả thì cần tìm hiểu thông tin hoặc sẽ cần một chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân để có thể giúp bạn tiết kiệm được thời gian công sức cũng như tránh như sai lầm trong đầu tư.

Thiết lập nguyên tắc trong việc thảo luận và đưa ra các quyết định tài chính, tránh đổ lỗi cho nhau khi kết quả không được như ý, vì quyết định là quyết định chung của cả hai vợ chồng” – bà Thảo nói.

Ảnh: Anh Kiệt

Bà Lưu Thanh Thảo cho biết, có khá nhiều khoản cần chuẩn bị và dự phòng vì kế hoạch tài chính toàn diện là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, không chỉ là bản thân mà còn là người phụ thuộc, không chỉ ở hiện tại mà còn là tương lai. Có thể tóm tắt các bước cần xây dựng quỹ dự phòng cho hôn nhân bao gồm:

– Lập danh sách các công việc cần chuẩn bị

– Rà soát tình hình tài chính hiện tại của cả 2

– Lập dự phòng cho các chi phí liên quan đến thai sản, sức khỏe bản thân và người phụ thuộc

– Chuẩn bị nơi ở, tài chính cho việc thuê/vay mua nhà và khả năng chi trả lãi vay

– Thiết lập mục tiêu tài chính sau kết hôn, quản lý chi tiêu và cùng ra quyết định đầu tư để bắt đầu xây dựng tài chính gia đình. Thiết lập các quy tắc trao đổi, thống nhất và đưa ra quyết định về tài chính.

Nguồn: Laodong.vn