Mặc dù nhà nước đã chú trọng ngành công nghiệp hỗ trợ và đến năm 2025 dành hơn 870 tỉ đồng để phát triển lĩnh vực này nhưng thực tế đa số doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam vẫn sẽ chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong một sớm một chiều.
Dành hơn 870 tỉ đồng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025.
Quyết định số 71/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung khoản 2 mục III Điều 1 Quyết định số 68/QĐ-TTg quy định về các nội dung Chương trình thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.
Theo đó, từ năm 2021 đến năm 2025, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Trong đó, bao gồm các hoạt động: Khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; lựa chọn và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu quốc tế; tổ chức các diễn đàn giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; xúc tiến thị trường nước ngoài, tham gia chuỗi sản xuất…
Đồng thời, chương trình cũng thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất…
Bên cạnh đó, chương trình đề ra các hoạt hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Chương trình cũng hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu thông qua giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Kết nối chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước…
Đặc biệt, Quyết định số 71/QĐ-TTg dự kiến kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 là hơn 870,7 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 750,2 tỉ đồng, nguồn vốn khác là 120,5 tỉ đồng.
Chỉ có 5.000 doanh nghiệp thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Tuy nhiên, hiện cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp song số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ khoảng 5.000 doanh nghiệp thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm 0,001% tổng doanh nghiệp trên cả nước…
“Và theo số liệu của Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, trong 5.000 doanh nghiệp này chỉ có 100 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1. Sau gần 40 năm phát triển doanh nghiệp, tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam thực sự trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu là rất thấp” – TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, nhận định tại diễn đàn kinh doanh “Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp” vào chiều 26.6.
TS Bình còn cho Tạp chí Kinh tế Việt Nam biết, nghiên cứu của Economica Vietnam đã chỉ ra một số khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt đang gặp phải khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là việc đáp ứng những yêu cầu hết sức khắt khe, yêu cầu cao về phương diện kỹ thuật, quản trị và thời gian giao hàng của doanh nghiệp đầu chuỗi.
“Họ yêu cầu doanh nghiệp Việt phải thiết lập hệ thống công nghệ đáp ứng yêu cầu về sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, lao động, điều kiện về vệ sinh an toàn lao động. Những yêu cầu này không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được” – TS Bình nêu thực tế.
Một điểm nghẽn nữa là yêu cầu về sản xuất xanh từ thị trường quốc tế ngày càng cao, buộc các quốc gia khác khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải đẩy nhanh quá trình xanh hoá sản xuất. Để đáp ứng những yêu cầu trên, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều, trong khi đầu tư đòi hỏi nguồn vốn rất lớn và phải liên tục đáp ứng yêu cầu của đầu chuỗi.
Hơn nữa, để bỏ ra số tiền vốn lớn, doanh nghiệp phải có niềm tin rất lớn vào môi trường kinh doanh, khi họ đầu tư sẽ là an toàn, sẽ không có quá nhiều sự thay đổi về cơ chế chính sách, không có sự thay đổi về quy định pháp luật.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cũng cho rằng, mặc dù chuỗi cung ứng đã dần được tái cấu trúc, nhưng thực tế đa số doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Nguồn: Laodong.vn