Sáng 3.7, Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024”.
Lương tăng, giá cả thị trường có tăng?
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính) – cho biết, dự báo CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 sẽ tăng khoảng 3,4% (+/- 0,2%).
Lý do bởi nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vẫn hoạt động ở dưới mức tiềm năng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong giai đoạn 2020 – 2024 luôn ở mức thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP, khoảng 3,9%/năm. Dự báo tỷ giá sẽ ổn định, thậm chí giảm trong 6 tháng cuối năm, khi Fed hạ lãi suất 1 – 2 lần và USD có thể giảm giá trên thị trường quốc tế.
Đáng chú ý, theo TS. Nguyễn Đức Độ, dù lương cơ sở được tăng từ 1.7.2024, nhưng chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, nên tác động tới lạm phát sẽ không quá lớn.
Trong khi đó, theo ông Phạm Minh Thụy – Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng Nghiên cứu Kinh tế Tài chính, Viện Kinh tế – Tài chính, việc tăng lương cơ sở thêm 30,6%, tăng phụ cấp, lương hưu cho các đối tượng hưởng chính sách từ 15 – 39%, tăng lương tối thiểu vùng từ 200 – 280 nghìn đồng (tăng khoảng 6,0%); sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý như: có thể tăng giá điện 2 lần, tăng học phí đại học, giá dịch vụ y tế…
Đánh giá về chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2024, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian gần đây mặt hàng lương thực, lúa gạo giá tăng, mặt hàng thịt lợn cũng tăng do diễn biến về dịch bệnh, tuy nhiên mức tăng không đột biến, nên CPI vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Đại diện Cục quản lý giá cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Nhà nước chưa có điều chỉnh về các mặt hàng do nhà nước quản lý. Tuy nhiên, dự báo cuối năm 2024, một số mặt hàng có thể tăng giá như sau:
Đối với mặt hàng xăng dầu, giá trên thị trường thế giới có xu hướng tăng giảm đan xen nhưng vẫn ở mức cao do vẫn chịu tác động bởi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương (chủ trì) có 26 đợt điều hành giá xăng dầu trong nước (tính đến ngày 27.6.2024).
Đối với mặt hàng điện, giá bán lẻ điện bình quân sau khi được điều chỉnh 2 lần trong năm 2023 thì hiện nay ở mức là 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (theo Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 8.11.2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố tháng 5.2024 do nhu cầu sử dụng điện tăng trong mùa hè nắng nóng cũng như giá điện sinh hoạt tăng 2,11% tác động tăng đến chỉ số CPI.
Đối với dịch vụ giáo dục, đào tạo, theo chỉ đạo của Chính phủ, học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2023 – 2024 và các năm tiếp giữ ổn định. Học phí cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập năm học 2023 – 2024 thực hiện theo mức trần học phí mới.
Đối năm học 2024 – 2025, mức trần học phí khối giáo dục đại học tăng bình quân 14%, khối giáo dục nghề nghiệp tăng bình quân 6%. Tuy nhiên, mức học phí cụ thể do các cơ sở giáo dục quyết định trong phạm vi giá tối đa do Chính phủ quy định.
Nhìn chung, công tác quản lý điều hành giá một số mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng lớn tới mặt bằng giá chung được thực hiện thận trọng ngay từ đầu năm, cùng với đó là nguồn cung nhiều hàng hóa thiết yếu được đảm bảo đã giúp kiểm soát lạm phát trong nửa đầu năm 2024.
Các kịch bản lạm phát năm 2024
Dự báo lạm phát trong năm 2024, TS Nguyễn Đức Độ cho biết, có 3 kịch bản lạm phát. Theo đó, trong kịch bản cao, giá dầu tăng nhẹ, tỷ giá ổn định, CPI tăng trung bình 0,23%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 (tương đương mức tăng trong 6 tháng đầu năm 2024). Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12.2024 sẽ ở mức 2,8% và lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,6%.
Trong kịch bản trung bình, giá dầu và tỷ giá đều ổn định, CPI tăng trung bình 0,1%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 (như trong quý 2.2024). Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12.2024 sẽ giảm về mức 2% và lạm phát trung bình cả năm ở sẽ mức 3,4%.
Trong kịch bản thấp, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cuối năm 2024, giá dầu và tỷ giá giảm, CPI tăng trung bình 0%/tháng, thậm chí có thể giảm trong 6 tháng cuối năm 2024. Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12.2024 sẽ giảm về mức 1,4% và lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,2%.
Về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4% (+/-0,2%), tức là rơi vào kịch bản cao trong dự báo từ đầu năm 2024 là 3,0% (+/-0,5%).
Nguồn: Laodong.vn