Doanh nghiệp kín đơn hàng, xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực khởi sắc

Bức tranh sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã có những gam màu sáng, song sự hồi phục chưa đồng đều do có nhiều ngành vẫn còn phụ thuộc lớn vào thị trường tiêu thụ toàn cầu, đặc biệt “nút thắt” Biển Đỏ đang làm cho chi phí vận chuyển tăng cao khiến lợi nhuận doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp kín đơn hàng, xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực khởi sắc

Đơn hàng khởi sắc

Không khí làm việc của các tổ may tại Công ty Cổ phần May Hồ Gươm, những ngày qua luôn hối hả như cả người và máy cùng chạy đua nước rút. Dù vất vả, nhưng ai cũng biết rằng, có được đơn hàng lúc này là điều đáng trân trọng, bởi hiện nay, nhiều thị trường hàng xuất khẩu còn gặp khó khăn.

Trao đổi với Lao Động, ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng Giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm – cho biết, công ty có nhiều đơn đặt hàng đến hết tháng 9, thậm chí một số chủng loại có đơn đến quý III và đang tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng để có thêm doanh thu. Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.000 tỉ đồng và chắc chắn sẽ đạt được.

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam – cho biết, 5 tháng đầu năm, thị trường dệt may đã khởi sắc. So với cùng kỳ năm 2023, đơn hàng đầu năm 2024 đã nhiều hơn, thời gian đặt hàng dài hơn. Đa phần các công ty may của tập đoàn đủ đơn hàng đến tháng 10 và đang đàm phán đơn hàng cho những tháng tiếp theo.

Ông Hiếu cho rằng, tính chung xuất khẩu toàn ngành dệt may 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 16 tỉ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm sáng là dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, đồng thời đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Theo ông Hiếu, 6 tháng đầu năm 2024, toàn bộ lao động trong tập đoàn vẫn duy trì lực lượng, thu nhập tương đương năm 2023.

Vẫn còn nhiều lo lắng

Ông Thân Đức Việt – CEO May 10 – cho rằng, biến động thế giới khiến hầu hết doanh nghiệp không dám kỳ vọng cao. Đặc biệt “nút thắt” Biển Đỏ đang làm cho chi phí vận chuyển tăng cao khiến lợi nhuận doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết, việc tăng giá cước đã diễn ra từ lâu, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động và giải pháp khắc phục. Trong đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với cơ quan chủ trì nghiên cứu về việc tăng giá cước, phối hợp kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp, triển khai các cuộc tọa đàm, cung cấp thông tin để lan tỏa đến các doanh nghiệp nhằm chủ động trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời Bộ cũng phối hợp với Bộ Tài chính, Hiệp hội logistics cùng trao đổi biện pháp xử lý kịp thời.

Theo ông Phí Ngọc Trịnh, việc tuyển dụng lao động trở lại ở thời điểm này trở nên rất khó khăn vì đa số lao động cũ đã tìm được công việc khác.

“Để thực hiện mục tiêu sản xuất, thì số lượng lao động cần phải tiếp tục bổ sung. Công ty cũng đã đăng thông tin tuyển dụng trên nhiều kênh thông tin, thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút lao động bằng các chính sách về chế độ lương, thưởng; tạo điều kiện cho người lao động vừa làm việc công ty vừa cân đối được công việc gia đình”, ông Trịnh nói.

Triển khai các giải pháp khơi thông sản xuất

Ông Bùi Huy Sơn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Công Thương) nhìn nhận, hoạt động xuất nhập khẩu mặc dù tăng trưởng tốt nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, xuất khẩu tăng có đóng góp của sự gia tăng về giá, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, năng lượng và gia tăng giá cước vận tải do tác động của các xung đột chính trị; xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI…

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ông Sơn cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp về khơi thông sản xuất, phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu và thị trường trong nước; đảm bảo an ninh năng lượng. Đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu và chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Nguồn: Laodong.vn