Nhà đầu tư dự án đường BOT ở Đắk Lắk sụt giảm 60 – 70% doanh thu

Đắk Lắk – Hiện nay, nhiều ô tô khi lưu thông qua địa bàn thị xã Buôn Hồ chỉ đi trên tuyến đường tránh thay vì di chuyển vào nội thị trên đường Hồ Chí Minh (QL14) và phải đóng phí đường bộ. Tình trạng này khiến nhà đầu tư dự án theo hình thức BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị xã Buôn Hồ bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng.

Dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 – Km1763+610, ở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk triển khai theo chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua.

Dự án được khởi công vào cuối năm 2013, hoàn thành đưa vào khai thác và thu phí từ tháng 11.2015 theo đúng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các tỉnh Tây Nguyên.

Tuy nhiên, vào năm 2015, tuyến tránh phía tây thị xã Buôn Hồ cũng được phê duyệt, hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2020. Kể từ thời điểm tuyến tránh phía tây thị xã Buôn Hồ đưa vào khai thác (đầu tư bằng ngân sách Nhà nước), các tài xế xe khách, xe tải đã lựa chọn di chuyển trên tuyến tránh và không phải phải mất phí BOT.

Anh Nguyễn Hải Tình – tài xế xe khách tuyến Gia Lai đi Buôn Ma Thuột cho biết: “Từ khi có tuyến tránh, hầu hết các nhà xe đều di chuyển để né trạm thu phí Buôn Hồ. Hơn nữa, đi trên tuyến tránh thì quãng đường di chuyển vào thành phố Buôn Ma Thuột hay ngược về Gia Lai là nhanh hơn, phương tiện không phải đi qua khu dân cư đông đúc”.

Sau khi đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ, doanh thu của chủ đầu tư dự án sụt giảm còn 60% – 70% so với hợp đồng. Trong khi, đây là khu vực tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên chính quyền tỉnh Đắk Lắk đề nghị chấm dứt hợp đồng, bố trí vốn thanh toán cho nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội các địa phương.

Hầu hết tài xế đi đường tránh phía tây thị xã Buôn Hồ để tránh phải mất phí. Ảnh: Thanh Tuấn

Đại diện Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (địa chỉ tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, chủ đầu tư dự án) cho biết: “Cùng với nguồn lực tự có của mình, doanh nghiệp vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư, phát huy hiệu quả dự án, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm theo đúng hợp đồng đã ký với cơ quan Nhà nước.

Những khó khăn, vướng mắc phát sinh khiến doanh thu giảm sút chủ yếu do nguyên nhân khách quan, không do lỗi của nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nhà đầu tư đang phải gồng gánh nhiều khó khăn về lãi vay, chi phí nuôi bộ máy do doanh thu sụt giảm nghiêm trọng”.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất theo phương án báo cáo Quốc hội cho phép bố trí ngân sách Nhà nước để hoàn trả vốn đầu tư cho nhà đầu tư BOT để xử lý dứt điểm bất cập của dự án này.

Tuy nhiên, để có cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan (Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, UBND tỉnh Đắk Lắk…) Trong đó, rà soát lại, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra tồn tại, bất cập của dự án, đề xuất phương án khắc phục và làm rõ thẩm quyền quyết định.

Nguồn: Laodong.vn