Hiện giá cau đầu vụ tại Quảng Ngãi khoảng 45.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân ngay từ đầu vụ.
Quảng Ngãi được biết đến như một trong những địa phương có diện tích trồng cau lớn nhất nước, với hơn 1.000 hecta. Những ngày này, hình ảnh các thương lái tấp nập khắp các vùng quê, miền núi hỏi mua cau tươi trở nên quen thuộc. Cau từ Quảng Ngãi chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Năm nào nhu cầu tiêu thụ của thị trường này tăng cao thì giá cau cũng leo thang. Sau khi thu mua, cau được tiểu thương hấp, sấy khô và bán lại cho các thương lái để xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ…
Trong số các vùng trồng cau, huyện Sơn Tây nổi bật với gần 1.000 hecta, được mệnh danh là “xứ ngàn cau”. Hiện tại, khoảng 500 hecta cau ở đây đang vào vụ thu hoạch.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hồng Khuyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây chia sẻ rằng bà con rất phấn khởi vì giá cau đầu vụ tăng cao đột biến, giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập khá. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng giá cau phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên khá bấp bênh; người dân vui mừng khi giá cao nhưng cũng lo lắng về sự biến động.
Trong nhiều năm qua, cây cau đã giúp nhiều hộ dân miền núi giảm bớt khó khăn. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật và cây giống để trồng mới 297 hecta cau. “Phần diện tích này đang phát triển rất tốt, bà con rất phấn khởi. Nhiều năm qua, giá cau tuy có biến động nhưng cây cau thực sự mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Giá cau trong năm chỉ cần đạt mức trung bình 10.000 đồng/kg là người dân đã có thu nhập cao hơn so với trồng một số loại cây khác,” ông Khuyến cho biết.
Nguồn: Laodong.vn