Hàng loạt dự án đầu tư xây dựng trọng điểm ở hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum đang bị chậm tiến độ, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công thì không khỏi lo lắng bởi những vướng mắc, khó khăn khách quan đến từ cơ chế chính sách.
Tỉ lệ giải ngân đạt thấp
Tại Gia Lai, theo Sở KHĐT tỉnh, các dự án trọng điểm bị chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là do thiếu nguồn vật liệu cho các dự án, chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) và mùa mưa kéo dài.
Qua thống kê, năm 2024, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước được Chính phủ phê duyệt giao cho tỉnh Gia Lai là 4.036 tỉ đồng. Tính đến ngày 6.7.2024, tổng số vốn đã giải ngân là 978 tỉ đồng, đạt 22,4% kế hoạch, thấp hơn 6,37% so với trung bình giải ngân của cả nước (28,77%).
Còn tại tỉnh Kon Tum, tính đến ngày 30.6.2024, chủ đầu tư đã giải ngân đạt hơn 617 tỉ đồng, đạt 26,8% trên thực nguồn kế hoạch vốn năm 2024 (617 tỉ đồng/2.298 tỉ đồng).
Với mức độ giải ngân như hiện tại, dự kiến đến cuối năm nay, 2 tỉnh bắc Tây Nguyên nguy cơ không đạt chỉ tiêu, kế hoạch. Ông Đinh Hữu Hòa – Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Gia Lai thông tin, nhiều dự án trọng điểm gặp khó khăn về thủ tục, nguồn nguyên vật liệu, buộc các nhà thầu thi công phải tạm dừng.
Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng) một số đoạn tuyến chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện Chư Păh. Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất làm chậm tiến độ GPMB của dự án…
Một số dự án khác phải điều chỉnh chủ trương đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân như: Dự án xây dựng 331; Dự án Khu xạ trị và trang – thiết bị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai…
Còn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Kon Tum cho hay, dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi là một dự án trọng điểm, liên vùng.
Sau gần 2 năm, dự án mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng. Khi hoàn thành thủ tục nộp tiền trồng rừng thay thế, địa phương phải mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ trình xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác. Do vậy, việc thi công, giải ngân cho dự án bị chậm so với kế hoạch.
Ngoài ra, Dự án Nâng cấp Bệnh viện Y dược cổ truyền – phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum lên 165 giường; Dự án Trụ sở Công an tỉnh; Dự án chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch khu du lịch – đô thị sinh thái nghĩ dưỡng kết hợp thể thao, xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum… cũng bị chậm so với kế hoạch.
Xử lý trách nhiệm chủ đầu tư chậm giải ngân vốn
Theo ông Đinh Hữu Hòa – Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Gia Lai, hiện nay khi hoàn thành hồ sơ, thủ tục các dự án mới, thời gian mùa mưa kéo dài nhiều tháng nên các đơn vị thi công phải tạm ngừng triển khai, chậm tiến độ cũng như giải ngân vốn đầu tư công bị ảnh hưởng. Do vậy, tỉ lệ giải ngân đầu tư công của Gia Lai thấp hơn so với các tỉnh khác.
Còn tại Kon Tum, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn chỉ đạo Sở KHĐT khẩn trương đề xuất cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật đối với các chủ đầu tư có tỉ lệ giải ngân dưới 50% do nguyên nhân chủ quan.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn, các chủ đầu tư dự án, người đứng đầu các huyện, thành phố cần nghiêm túc khắc phục những hạn chế, thiếu sót nhằm tạo được chuyển biến thực chất về quản lý ngành, lĩnh vực trên tinh thần: “Đã hứa thì phải làm, làm thì nhất định phải được và phải có kết quả, sản phẩm cụ thể có thể kiểm chứng, đo đếm được”.
Tỉnh Kon Tum cũng đề nghị xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các chủ đầu tư để chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao. Trong đó, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực.
Nguồn: Laodong.vn