Theo chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khá linh hoạt trong điều chỉnh lãi suất điều hành phù hợp với xu hướng lạm phát và lãi suất trên thế giới từ năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, nhà điều hành cũng cần cân nhắc sử dụng công cụ lãi suất để tác động tới tỉ giá sao cho phù hợp.
Áp lực tỉ giá giảm bớt nhờ nỗ lực can thiệp của Ngân hàng Nhà nước
Tính đến cuối tuần qua, NHNN tiếp tục hút ròng 36.000 tỉ đồng từ hệ thống ngân hàng, so với tháng trước, NHNN rút ròng 94.000 tỉ đồng. Trên thị trường OMO, NHNN cân bằng trạng thái bơm hút tiền trong tháng 7.2024.
Báo cáo vĩ mô mới đây của WiResearch cho biết, kể từ tháng 7.2024 – 8.8.2024, NHNN đã phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày với tổng giá trị là 234.850 tỉ đồng trong khi lô tín phiếu giá trị 210.780 tỉ đồng trước đó đã đáo hạn. Tuy nhiên, NHNN vẫn thực hiện bơm 232.240 tỉ đồng thông qua hợp đồng OMO trong khi số tiền 207.840 tỉ đồng trước đó đã đáo hạn.
“Thay vì chỉ thực hiện hút tiền, NHNN tập trung vào việc duy trì lãi suất tín phiếu kỳ hạn 14 ngày ở mức cao 4,5% để kiểm soát tỉ giá. Tuy nhiên, tại ngày 5.8, NHNN đã đồng loạt giảm lãi suất OMO và tín phiếu về mức 4,25% khi tỉ giá có dấu hiệu hạ nhiệt” – nhóm phân tích nêu.
Theo ghi nhận, tỉ giá trên thị trường đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhờ xu hướng giảm trở lại của đồng USD. Tỉ giá trên thị trường ngân hàng và liên ngân hàng đã bớt áp lực trong thời gian gần đây khi chỉ số DXY đang giảm về mốc 103,78 điểm với các kịch bản cắt giảm lãi suất chính sách trong thời gian tới từ FED.
Nhìn lại 4 năm điều hành lãi suất – tỉ giá
ThS. Lê Vũ Thanh Tâm, Viện Kinh tế – Tài chính cho biết, kể từ năm 2020 đến nay, NHNN đã khá linh hoạt trong điều chỉnh lãi suất điều hành phù hợp với xu hướng lạm phát và lãi suất trên thế giới. Năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý.
Trước áp lực lạm phát và tăng lãi suất của thế giới trong năm 2022, NHNN đã có 2 lần tăng các mức lãi suất điều hành, với tổng mức tăng 2 điểm %/năm và 2 lần tăng lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại tổ chức tín dụng (ngày 23.9.2022 và ngày 25.10.2022) với mức tăng 0,8-2 điểm %/năm; tăng 1 điểm %/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (ngày 25.10.2022).
ThS.Tâm cho biết, tác động mặt trái của việc tăng lãi suất điều hành, huy động và cho vay nêu trên đã làm doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, hạn chế đầu tư và tiêu dùng xã hội, thu hẹp sản xuất,… Đến năm 2023, NHNN liên tục giảm 4 lần lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao so với mức giảm 0,5-2 điểm%/năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỉ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp chiều 5.8, NHNN cho biết, đến cuối tháng 6, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3% một năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023. Còn lãi suất tiền gửi bình quân là 3,59% một năm, giảm 1,08%.
“Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ xu thế ngược pha trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam. Trong khi FED liên tục thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt trong 2 năm qua để kiểm soát lạm phát thì NHNN lại có xu hướng nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều này dẫn đến chênh lệch lãi suất VND và USD âm, kết hợp với việc chỉ số USD Index (DXY) liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây dẫn tới áp lực tỉ giá liên tục gia tăng” – ThS. Tâm cho biết.
Để đối phó với tình trạng này, NHNN đã tái kích hoạt lại hoạt động phát hành tín phiếu qua hình thức đấu thầu nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống cũng như hút bớt thanh khoản ở thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỉ giá. Minh chứng là tỉ giá trung tâm ngày 28.12.2023 trở về mốc 23.904 VND/USD, sau khi đạt đỉnh ở mốc 24.110 VND/USD vào tháng 10.2023.
Chuyên gia cho biết, những kết quả đạt được trong việc sử dụng chính sách lãi suất tác động đến tỉ giá cho thấy NHNN cần tiếp tục xem xét khả năng và mức độ áp dụng giải pháp này trong thời gian tới. “Lãi suất cơ bản của FED sẽ giữ nguyên nên việc Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với áp lực tăng tỉ giá VND/USD là điều khó tránh khỏi. Điều này đặt ra thách thức cho NHNN trong việc điều hành tỉ giá nhằm hấp thụ các cú sốc, góp phần đạt được các mục tiêu của chính sách tiền tệ được đề ra” – ThS. Tâm dự báo.
Nguồn: Laodong.vn