Ngay sau khi Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu tôm hùm, các doanh nghiệp thủy sản đã thích ứng bằng cách nhập tôm hùm giống chính ngạch từ Indonesia.
Người nuôi tôm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Anh Nguyễn Đức Quân (thôn Đầm Môn, Xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) có 140 lồng nuôi tôm hùm đang thời kỳ thu hoạch. Với anh Quân, tôm hùm trong nhiều năm qua mang lại cho người dân địa phương nguồn thu nhập đáng kể.
Tuy vậy, việc nuôi tôm không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có thời điểm thương lái không đến thu mua tôm hùm khiến anh Quân gặp khó khăn, áp lực bởi chi phí thức ăn tăng cao cộng với lãi ngân hàng đè nặng.
Theo lời kể của anh Quân, nhiều năm qua, thị trường tiêu thụ tôm hùm chính là Trung Quốc. Năm nay, phía Trung Quốc bất ngờ ngừng nhập tôm hùm bông với lý do sửa đổi luật bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có cấm buôn bán tôm hùm bông thiên nhiên.
Phía quốc gia tỉ dân đưa ra chính sách bất ngờ khiến người nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa bị động. Ngay lập tức, giá tôm hùm trên thị trường rớt thê thảm và không có thương lái đến thu mua.
Bên cạnh sự thay đổi trong chính sách thu mua tôm hùm của Trung Quốc, nghề nuôi tôm hùm thời gian qua vẫn còn tình trạng tự phát diễn ra ồ ạt, thiếu liên kết, manh mún.
Thích nghi trước sự thay đổi của thị trường tỉ dân
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc chiếm 98 – 99% thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam. Tháng 5.2023, Trung Quốc sửa luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021.
Theo đó, tôm hùm bông nuôi xuất khẩu sang Trung Quốc cần đáp ứng các điều kiện như tôm hùm bông nuôi không được đánh bắt trực tiếp từ biển, có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, con giống phải là thế hệ F2.
Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu phải xin giấy phép về “Bảo vệ động vật hoang dã” từ Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc)…
Ngay sau khi phía bạn thay đổi chính sách thu mua tôm hùm, Việt Nam hiện đang rà soát về thủ tục pháp lý, cơ chế để có hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp thực hiện.
Trong rất nhiều cách thích ứng trước sự thay đổi trong việc thu mua tôm hùm từ phía Trung Quốc, Việt Nam đã và đang nghiên cứu cách nhập khẩu chính ngạch tôm hùm giống từ các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Indonesia.
Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số doanh nghiệp thủy sản trong nước trong đó có trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa đã có chuyến công tác tại Bali, Indonesia.
Lãnh đạo hai Bộ thống nhất sớm triển khai các hoạt động hợp tác nuôi trồng thuỷ sản. Bộ trưởng Sakti Trenggono kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam, đầu tư nuôi trồng thủy sản tại Indonesia, đặc biệt trong việc nuôi cá ngừ, rong biển và tôm hùm giống.
Đối với tôm hùm giống, cơ quan chuyên môn hai Bộ sẽ sớm thống nhất Giấy chứng nhận kiểm dịch, thông tin, cập nhật tình hình dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh; Indonesia sớm mở cửa xuất khẩu mặt hàng tôm hùm giống sang Việt Nam.
Một trong những doanh nghiệp có mặt trong buổi gặp mặt nói trên là đại diện của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tôm hùm giống Thái Bình Dương (có trụ sở tại Số 1210, TDP Xuân Ninh, phường Cam Phúc Nam, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) – một doanh nghiệp tiên phong, đầu tư bài bản nhằm đưa tôm hùm giống từ Indonesia về Việt Nam.
Theo doanh nghiệp này, để con giống tôm hùm đáp ứng cho người nuôi đảm bảo chất lượng, cần tổ chức cấp phép nhập khẩu chính ngạch, đồng thời kiểm soát chặt nguồn giống cũng như đưa về cơ sở lưu giữ để kiểm dịch.
“Việc lựa chọn mua tôm hùm giống đạt chất lượng tốt, khỏe mạnh và có giấy chứng nhận kiểm dịch, xét nghiệm bệnh theo quy định là một giải pháp lâu dài, giúp nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững” – đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tôm hùm giống Thái Bình Dương chia sẻ.
Nguồn: Laodong.vn