Cách để người livestream bán hàng nộp 7% thuế

Các chuyên gia chia sẻ cách để các nhà sáng tạo nội dung khi bán hàng cần phải làm để nộp 7% thuế thay vì 35% thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Cách để người livestream bán hàng nộp 7% thuế
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phát biểu tại tọa đàm ngày 2.8. Ảnh: Bình Mai.

Vừa qua, phát biểu tại Tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử”, do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) và Công ty Cổ phần MISA (MISA) tổ chức, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch VTCA – cho biết, cá nhân bà rất tò mò về các phiên livestream bán hàng có doanh thu hơn 100 tỉ đồng, thậm chí là 150 tỉ đồng 1 phiên.

Bà Cúc phân tích, với các phiên livestream như vậy, các bên tham gia đều phải có nghĩa vụ nộp thuế.

Theo đó, đối với nhãn hàng phải kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên doanh thu thực tế chốt đơn hàng bán được;

Còn đối với người livestream nộp thuế theo hai hình thức: Một là, nếu cá nhân đăng kí nộp thuế với hộ cá nhân kinh doanh thì nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (5% GTGT, 2% TNCN);

Hai là, nếu cá nhân không đăng kí kinh doanh, coi như làm thuê cho nhãn hàng thì nộp thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5% – 35%; nhãn hàng tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả cho cá nhân, nộp vào ngân sách Nhà nước (NSNN) và cá nhân có trách nhiệm tự khai quyết toán thuế năm với cơ quan thuế

Cũng theo bà Cúc, đối với nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), được hưởng hoa hồng từ nhãn hàng (dù có cơ sở thường trú hay không có cơ sở thường trú ở Việt Nam) đều phải nộp thuế trên hoa hồng được hưởng.

“Đối với các dịch vụ vận tải, chuyển hàng đến tay người tiêu dùng cũng phải nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN dù có cơ sở thường trú hay không có cơ sở thường trú; cá nhân cư trú hay không cư trú tại Việt Nam.

Còn đối với trường hợp nhãn hàng là cá nhân chưa thực hiện nộp thuế hoặc khấu trừ thuế thì sàn TMĐT phải kê khai nộp thay” – bà Cúc nói.

Giải thích thêm, bà Cúc cho biết, các sàn TMĐT phải cung cấp cho cơ quan thuế các số liệu theo quy định đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh trên sàn của mình các thông tin quy định theo NĐ 91/2022/NĐ-CP ngày 30.10.2022.

“Các cá nhân cần nắm chắc chế độ chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh của mình.

Trường hợp đã kinh doanh TMĐT thời gian trước mà chưa nộp thuế, cơ quan thuế chưa phát hiện truy thu thì nên tự giác liên hệ với chi cục thuế nơi mình cư trú (tạm trú, thường trú) để nộp thuế và tự tính tiền chậm nộp 0,03% tính trên số tiền thuế phải nộp và số ngày chậm nộp.

Trường hợp cơ quan thuế phát hiện mà không kê khai thuế, số tiền thuế lớn thì ngoài xử lý hành vi vi phạm, truy thu, phạt tiền thuế thì vi phạm nghiêm trọng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.

Trường hợp đang kinh doanh, bán hàng online mà chưa nộp thuế thì lựa chọn đăng ký kinh doanh để nộp thuế theo mức 7% trên hoa hồng được hưởng (livestream) thay vì nộp thuế TNCN theo mức thuế suất cao.

Đổi với cá nhân mua hàng, bán trực tiếp thì đăng ký nộp thuế 1,5% (1% GTGT- 0,5% TNCN). Bên cạnh đó các cá nhân cần có trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ.. Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng” – bà Cúc liệt kê.

Chia sẻ thêm về việc làm thế nào để Nhà Sáng tạo nội dung được nộp 7% thuế thay vì 35% thuế TNCN, ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok Việt Nam cho biết: Để được áp dụng 2% thuế GTGT và 5% thuế TNCN, Nhà Sáng tạo cần đi đăng ký với cơ quan thuế để trở thành cá nhân kinh doanh với ngành nghề kinh doanh cụ thể.

“Sau đó, trước khi nhận thu nhập từ nhà bán hàng, Nhà Sáng tạo cần liên hệ với cơ quan thuế, nộp 7% tiền thuế, mua hóa đơn và xuất cho nhà bán hàng tương ứng” – ông Thanh nói.

Nguồn: Laodong.vn