Bên cạnh những kết quả tích cực, thị trường xăng dầu vẫn còn tồn tại những hạn chế và nút thắt trong việc xác định giá.
Vẫn còn những hạn chế, vướng mắc
Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù còn một số nội dung trong công tác quản lý điều hành cần nghiên cứu để hoàn thiện hơn, tuy nhiên nhìn tổng quát, việc điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là điều hành giá đã được cơ quan điều hành thực hiện bám sát đúng quy định của nghị định và các văn bản pháp luật hiện nay cũng như theo giá thế giới.
Tại tọa đàm “Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả” diễn ra ngày 30.7, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội – cho biết, Chính phủ rất nỗ lực để điều hành và bình ổn giá xăng dầu với 3 công cụ chủ yếu: Thông qua giá cơ sở, công cụ về thuế và bình ổn giá bằng việc trích lập quỹ bình ổn.
Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn phải theo thế giới. Ngoài ra, giá xăng dầu vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính của Nhà nước áp đặt mức giá cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Khi đã dùng hành chính áp đặt sẽ không bảo đảm lợi ích đứng về mặt lợi nhuận do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó tính toán. Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích nữa thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ tìm biện pháp để lảng tránh.
Đối với công cụ về Thuế hay sử dụng công cụ trích Quỹ bình ổn, thực chất chúng ta dùng chính nguồn lực của ngân sách hoặc nguồn lực của người dân để tạo ra bình ổn giá chứ chúng ta chưa sử dụng công cụ sức mạnh của thị trường. Từ đó dẫn đến tình trạng, chính sách này mang tính chất cào bằng. Doanh nghiệp nào đầu tư kinh doanh tốt thì cũng bán giá đó, doanh nghiệp nào kinh doanh kém cũng bán giá đấy. Tức là không tạo ra sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường.
Nếu chúng ta để thị trường quyết định thì đương nhiên các doanh nghiệp đó sẽ cố gắng, nỗ lực làm sao tiết giảm chi phí đầu vào. Không chịu giá chung sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra tiềm lực, khả năng kinh doanh tốt” – ông Cường cho hay.
Nên để các doanh nghiệp quyết định giá
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, việc sửa đổi chính sách quản lý trong thời gian tới phải hướng vào việc thay đổi cơ chế. Cơ chế quản lý hiện nay đang dùng là cơ chế quản lý hành chính Nhà nước nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết, từ đó để cho các doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh.
Nhà nước sẽ có công cụ để điều tiết nếu doanh nghiệp bán với giá phi thị trường hay liên kết với nhau để bán với giá cao. Chúng ta có thể dùng công cụ thuế là thuế nhập khẩu và thuế thu nhập để điều tiết, buộc doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện tăng lượng bán lên, bán với giá thấp hơn thì lợi ích nhiều hơn là chuyện khống chế lượng bán để tăng giá.
“Chúng ta cũng không thể thả nổi hoàn toàn mà phải sử dụng các công cụ hiện đại để bình ổn giá xăng dầu. Điển hình là việc thế giới, các công ty lớn hay sử dụng các công cụ về phái sinh để bình ổn. Bên cạnh đó, phải có nguồn lực dự trữ quốc gia, phải có thị trường để làm sao mọi người có thể tham gia giao dịch tốt” – ông Cường khẳng định.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đối với quản lý Nhà nước, trong thời gian tới phải bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung ứng cho nền kinh tế. Ngoài ra, bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để làm sao không có tác động mạnh hoặc khi thế giới biến động mạnh thì chúng ta sử dụng những chính sách tài khóa thông qua thuế, cơ chế về bình ổn để xử lý, còn lại để thị trường vận hành.
Khi có cạnh tranh thì xu hướng là luôn luôn đạt được mức giá mà người tiêu dùng được hưởng lợi, bên cạnh đó những quy định kèm theo mang tính chất quốc tế, chúng ta phải áp dụng, đó là những chính sách sử dụng nghiệp vụ về phái sinh. Phái sinh ở đây không thuần túy là việc đầu tư về tài chính mà đây là những nghiệp vụ phòng vệ giá, tức là bảo hiểm giá xăng dầu.
Nguồn: Laodong.vn