Nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm miền Tây gặp khó, không dám tái đàn vì lợi nhuận thấp, e ngại dịch bệnh ở động vật.
Vừa xuất bán đàn heo hơi 20 con, chị Trần Kim Cương (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) không khỏi buồn vì trừ đi mọi chi phí, lãi chưa đến 10 triệu đồng.
Được biết, hộ chăn nuôi này bán cho lái với mức chênh lệch thấp hơn thị trường heo thịt từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, cùng với chi phí thức ăn tăng cao nên hầu như lãi thấp khoảng 40% so với năm ngoái.
“Trừ đi chi phí thức ăn, điện nước thấp sáng và vệ sinh chuồng trại, trong 3 tháng, tôi lãi chưa được 500.000 đồng/con. Lợi nhuận thế này, tiền sinh hoạt ăn uống còn thiếu hụt. Giá thức ăn tăng nếu cố nuôi thì phải bỏ ra số tiền đầu tư gấp đôi so với nhưng năm trước”, chị Cương nói.
Lợi nhuận thấp khiến người chăn nuôi này không còn mặn mà – “Tôi còn 10 con heo đang chờ xuất chuồng, và đàn gà hơn 100 con cũng còi cọc vì giá lúa và thức ăn cao, tôi phải cắt bớt lượng thức ăn. Bán xong chúng nếu lãi suất thấp chắc là tôi dừng nuôi”, chị Cương cho hay.
Trong khi đó, mùa mưa bắt đầu kéo theo dịch bệnh trên động vật dễ xảy ra khiến ông Nguyễn Văn Liêm (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) phải tăng cường chăm sóc, phun thuốc phòng trừ đẩy chi phí sản xuất tăng cao.
“Mưa bão, chăn nuôi heo, gà, vịt rất cực vì dễ bị bệnh nên cần chăm sóc, theo dõi thường xuyên. Thức ăn đang tăng giá cộng với tiền chọn con giống, phun thuốc, sát trùng bằng vôi bột khiến chi phí chăn nuôi đội giá, xuất bán lần này lợi nhuận 20 triệu là đã mừng”, ông Liêm nói.
Để đảm bảo an toàn, ngăn ngừa dịch bệnh trên động vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển TP Cần Thơ cho biết, trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát điều kiện nuôi, điều kiện vệ sinh thú y đối với các trang trại, các cơ sở nuôi và giết mổ gia súc.
Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các ổ dịch bệnh để tổ chức xử lý ổ dịch một cách nhanh chóng, kịp thời tránh lây lan diện rộng khi có dịch bệnh xảy ra.
Nguồn: Laodong.vn