Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu

Trong giai đoạn nửa cuối năm 2024, doanh nghiệp bất động sản đứng trước áp lực trả nợ gần 60.000 tỉ đồng trái phiếu.

Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu
Doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó về dòng tiền khi dự án không thể bán hàng. Ảnh: Bảo Chương

Trong tháng 6.2024, hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản bắt đầu sôi động trở lại. Tiêu biểu là đợt phát hành 2.500 tỉ đồng của Vinhomes, 1.000 tỉ đồng của Sun Group, 800 tỉ đồng của Becamex, 600 tỉ đồng của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thiên Hà – Băng Dương, 550 tỉ đồng của Bất động sản Nam Long. Ngoài ra, có một số đợt phát hành của Công ty Cổ phần Kiểm định xây dựng An Hòa, Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land.

Xét về giá trị tuyệt đối, phát hành trái phiếu bất động sản có sự phục hồi so với cùng kỳ năm ngoái, song tỉ trọng lại giảm mạnh. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất hiện nay chính là việc doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với gánh nặng đáo hạn rất lớn và tỉ lệ chậm trả trong lĩnh vực này tiếp tục tăng nhanh.

Chỉ tính riêng tuần đầu tháng 7.2024, có 9 doanh nghiệp thông báo chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu và thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu (chủ yếu là gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm 12-24 tháng).

Trước đó, trong tháng 6.2024 cũng có nhiều doanh nghiệp bất động sản tuyên bố chậm thanh toán hoặc xin giãn nợ trái phiếu. Trong nửa cuối năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 140.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản (gần 59.000 tỉ đồng), tương đương 42%. Đây cũng là nhóm trái phiếu gặp áp lực trả nợ lớn nhất hiện nay. Lợi suất trái phiếu bất động sản của nhóm rủi ro cao, đang có khó khăn về tài chính có thể lên tới 20-30%, thậm chí tới 50%, chủ yếu xảy ra với các trái phiếu thanh khoản thấp.

Theo VIS Rating, trong tháng 7.2024, ước tính khoảng 60% trong số 9.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả được nợ gốc đúng hạn đa phần là của doanh nghiệp bất động sản. Trong 12 tháng tới, khoảng 18% trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị là 207.000 tỉ đồng sẽ đáo hạn. VIS Rating ước tính 27% trái phiếu có rủi ro không trả được nợ gốc đúng hạn, chủ yếu ở các ngành bất động sản dân cư và xây dựng. 65% trong số trái phiếu này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó.

Các chuyên gia của tổ chức FiinGroup nhận định, từ nửa cuối năm 2023 tới nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản. Do vậy, đã có những trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch với mức lợi suất có thể lên tới 20-25%. Đây thường là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án. Trong khi đó, áp lực tài chính với họ tương đối lớn trong khoảng 12-18 tháng tiếp theo và khả năng tái tài trợ hoặc huy động vốn mới gặp nhiều thách thức.

Nguồn: Laodong.vn