Không chỉ gây lo ngại về việc đi ngược lại với lộ trình Net Zero, việc giảm mức thu lệ phí trước bạ còn được các chuyên gia đánh giá thiếu tính hiệu quả. Bộ Tài chính cũng nghiêng về phương án đề xuất không giảm mức thu lệ phí trước bạ.
Chính sách giảm thì không hiệu quả, chính sách thu lại lỗi thời
Bộ Tài chính vừa qua có tờ trình gửi Chính phủ, đề xuất không giảm mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) do các lo ngại việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ (LPTB) như dự thảo Nghị định sẽ vi phạm cam kết quốc tế, dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang. Vì vậy cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Châu Đình Linh – chuyên gia Kinh tế, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, cơ quan quản lý cần cân nhắc, xem xét kỹ chính sách giảm thu LPTB.
TS Linh cho biết: “Nhìn lại lần đầu tiên thực hiện chính sách giảm mức thu LPTB, cả thị trường chào đón, nhưng tới lần giảm thứ hai và thứ ba thì hiệu ứng này giảm dần. Ngân sách vẫn liên tục sụt giảm hàng nghìn tỉ đồng nhưng tỉ lệ mua xe ôtô cũng không tăng như kỳ vọng. Các đại lý cũng cắt giảm khuyến mãi, nên khi so sánh có thể thấy phầm giảm giá không đáng kể.
Vì vậy, chúng ta cần cân nhắc kỹ thiệt và hại. Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã cân nhắc thêm các yếu tố cam kết quốc tế, so sánh lợi ích của các đơn vị lắp ráp, sản xuất ôtô tại Việt Nam và lợi ích của các nước có xuất khẩu ôtô vào Việt Nam. Từ đó thấy được rằng, chúng ta có thể phải đối mặt với việc kiện tụng”.
Đáng nói, TS Linh cho rằng, việc giảm mức thu LPTB thứ 4 sẽ đặt ra các nghi vấn liệu có hay không lần giảm thứ 5 và thứ 6. Đáng nói chính sách sẽ kéo dài bao lâu và ngắt quãng bao lâu.
Chuyên gia cho hay, khi chính sách không có tính ổn định và không được định hướng lâu dài sẽ gây khó khăn nhiều mặt, nếu muốn tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ôtô, cơ quan quản lý cần cân nhắc các chính sách tài khóa dài hơi hơn.
Đồng quan điểm, Theo TS Nguyễn Ngọc Tú – Giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, chính sách giảm mức thu LPTB cần phải được xem xét lại tính hiệu quả. Đáng nói, TS Tú cho hay, chính sách thu LPTB cũng đã lỗi thời, cần chỉnh sửa.
“Khi hai miền đất nước thống nhất, loại hình xe ôtô tư nhân bắt đầu xuất hiện. Để tạo nguồn thu cho ngân sách và phù hợp với thông lệ quốc tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định thu phí trước bạ. Thời đó, xe máy, ôtô là thứ đồ xa xỉ, hàng có giá trị lớn. Vì vậy, nhằm hạn chế tiêu dùng do đường sá giao thông ngày xưa còn hạn hẹp nên đặt ra mức lệ phí trước bạ rất cao từ 12-15%. Đến nay, tại Hà Nội vẫn đang thu mức LPTB là 12%.
Theo chuyên gia, theo định nghĩa phí, lệ phí để bù cho một phần chi phí mà Nhà nước phải bỏ ra cho một hoạt động nào đó. Ví dụ như khi người dân đăng ký khai sinh, Nhà nước phải dùng giấy tốt để làm giấy khai sinh cho các cháu, in ấn, lưu trữ hồ sơ, có dữ liệu để tra cứu nên Nhà nước phải thu một phần và đó gọi là lệ phí. Phí trước bạ cũng tương tự. Nhà nước lưu lại thông tin xe, làm dữ liệu để tiện tra cứu. Mức thu LPTB hiện tại đối với ôtô đang ở mức rất cao. Một xe ôtô có mức giá tầm trung 800-900 triệu đồng, nếu thu LPTB thì mức thu là hơn 100 triệu đồng. Tôi đề xuất cần xem lại chính sách thu phí trước bạ, sửa mức thu chỉ còn khoảng 6%” – TS Tú nói.
Hướng tới Net Zero
Theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2050 Việt Nam phải đạt mức phát thải bằng không (Net Zero). Theo đó, chúng ta đã có lộ trình rõ ràng được chia theo từng giai đoạn.
Ủng hộ chính sách này nên nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần xem xét kỹ lại việc giảm mức thu LPTB cho xe tiêu thụ xăng, tránh đi ngược lại với lộ trình Net Zero đã đặt ra.
Tại các nước trên thế giới, nhiều quốc gia, khu vực phê chuẩn chính sách cấm xe chạy xăng, ban hành các chính sách ưu đãi dành cho xe điện.
Đơn cử như EU, từ tháng 2.2023, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua luật cấm bán ôtô chạy bằng xăng và dầu diesel ở Liên minh châu Âu từ năm 2035, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện và chống biến đổi khí hậu.
Theo các quy tắc mang tính bước ngoặt này, đến năm 2035, các nhà sản xuất ôtô phải cắt giảm 100% lượng khí thải CO2 từ những chiếc ôtô mới được bán ra. Điều này sẽ khiến việc bán các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch mới trong khối 27 quốc gia là không thể. Nhiều nhà sản xuất ôtô ở châu Âu đã công bố đầu tư vào điện khí hóa.
Hay tại Trung Quốc, để khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng ôtô điện và thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô năng lượng mới, Chính phủ nước này đã ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi như: Trợ cấp cho doanh nghiệp dựa trên doanh số bán hàng; trợ giá cho ôtô điện dựa trên dung lượng pin; trợ cấp tiền cho khách hàng mua ôtô điện; giảm thuế cho ôtô điện; hỗ trợ phát triển hạ tầng sạc điện; giảm phí đối với người sử dụng xe điện…
Nguồn: Laodong.vn